Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Lễ mở cửa rừng của đồng bào Bru-Vân Kiều

  • 08:00 | Thứ Năm, 04/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ra giêng, trước lúc bắt đầu những chuyến đi hái “lộc rừng”, đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) tổ chức lễ mở cửa rừng. Buổi lễ diễn ra với mục đích xin thần rừng cho “mở cửa” để đồng bào được mưu sinh, đi tìm cây thuốc quý, hái cây măng, cây nấm…
 
Ngày hội đoàn kết
 
Bên mái nhà sàn, Trưởng bản Khe Cát (xã Trường Sơn) Hồ Đài mở đầu câu chuyện: “Khi làm lễ mở cửa rừng không chỉ xin phép thần linh, mà cái bụng của người Bru-Vân Kiều còn hiểu nhau hơn. Người xa, người gần hàn huyên, bản làng vui vẻ, gắn kết keo sơn”.
 
Lễ mở cửa rừng được đồng bào Bru-Vân Kiều tổ chức trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng 2 âm lịch hàng năm. Trước khi lễ hội diễn ra, người dân trong bản sẽ họp để chọn người làm chủ lễ. Ở bản Khe Cát, người luôn được chọn làm chủ lễ là già làng, nghệ nhân dân gian Hồ Ai. Ông là người lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống của bản làng.
 
Sau đó, người chủ lễ cùng với trưởng bản triệu tập một cuộc họp để thông báo với các đung (gia đình) về thời gian, địa điểm tổ chức, đóng góp của mỗi gia đình và phân công nhiệm vụ cho mỗi người đảm nhận những công việc khác nhau, như: Lập bàn thờ, trang trí và quét dọn xung quanh khu vực tổ chức lễ hội, nấu nướng đồ lễ…
 
Theo tập tục, cả bản sẽ dâng cúng một con lợn hoặc một con trâu. Mỗi gia đình trong bản, tùy vào điều kiện có thể góp một con gà hoặc một hũ rượu cần hay cơm nếp, nến sáp ong... Đến ngày tổ chức lễ, với trang phục truyền thống của người Bru-Vân Kiều, mọi người trong bản tập trung đông đủ tại địa điểm ở bìa rừng.
Đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đi hái măng.
Đồng bào Bru-Vân Kiều ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đi hái măng.
 
Xin thần rừng được “mở cửa”
 
Trước khi thực hành nghi lễ, già làng Hồ Ai, các bậc cao niên và các vị khách sẽ làm lễ tẩy trần bằng nước suối. Sau khi tẩy trần, những người tham dự buổi lễ đứng trước bàn thờ để cùng chủ lễ thực hiện nghi thức cúng tế. Bàn thờ được dựng tại một bãi đất bằng phẳng, bên cạnh dòng suối và ngay trước cửa rừng. Bàn thờ được làm bằng tre nứa, đan lát nhiều hoa văn đẹp mắt. Vật hiến sinh được đặt ở tầng dưới bàn thờ, tầng trên bày rượu cần, cơm nếp, gạo sống, hai ngọn nến làm bằng sáp ong.
 
Vào thời khắc đã chọn, hai ngọn nến được thắp sáng, già làng Hồ Ai thay mặt dân bản Khe Cát cầu mong thần rừng phù hộ bản làng một năm sản xuất, trồng trọt được mùa, làm ăn thuận lợi và xin thần rừng được “mở cửa” để người Bru-Vân Kiều được vào rừng mưu sinh, hái cái lá, mớ rau và những lâm sản phụ.
 
Trong lời khấn của Hồ Ai với đại ý: Mời các vị thần rừng hãy chứng giám cho lễ vật và lòng thành của đồng bào bản địa. Hãy cho phép dân bản được vào rừng, cho đôi chân của họ được dẻo dai để băng rừng lội suối, cho đôi tay được khỏe mạnh để tìm được những sợi mây về đan lát, hái được nhiều rau, măng rừng, tìm được cây thuốc dược liệu… Cầu cho thời tiết luôn thuận hòa để những chuyến đi vào rừng của bà con được thuận lợi, bình an.
 
Sau bài cúng, người chủ lễ thực hiện nghi lễ gieo quẻ với hình thức tung hai đốt tre (mỗi đốt có chiều dài khoảng hai đốt ngón tay) lên hòn đá nhỏ ở phía trước mặt. Khi hai đốt tre văng ra đất có hai mặt khác nhau (một sấp, một ngửa-mặt cật tre, mặt ruột tre) thì thần rừng đã chấp thuận. Nếu sau khi tung hai đốt tre cùng một mặt thì người chủ lễ thực hiện lại bài cúng với lòng thành cung kính để thực hiện việc gieo quẻ...
 
Đồng bào Bru-Vân Kiều tin rằng, nếu không xin phép thần rừng mà tự ý vào rừng thì sẽ bị thần linh trách phạt, không hái được những quả to, không tìm được cây thuốc quý, được mây tre để đan lát… cuộc sống của bà con sẽ khó khăn.
 
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, thực hiện 10 dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào Bru-Vân Kiều ở địa phương. Trong đó, những hoạt động bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch của đồng bào đã được địa phương và nhiều sở, ngành, cá nhân tâm huyết trao truyền và gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống văn hóa.
                                                                             Xuân Thi

tin liên quan

Văn học-nghệ thuật Quảng Bình, 35 năm trở về và phát triển

(QBĐT) - Sau gần 14 năm sáp nhập tỉnh, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ đã chung sức vào công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, hành trình ấy đến nay vừa tròn 35 năm.   

Di tích lịch sử nhà thờ họ Trần Côi làng La Hà

(QBĐT) - Họ Trần Côi làng La Hà, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) là dòng họ tiêu biểu có truyền thống học hành đỗ đạt khoa bảng, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.

Mùa lễ hội bên bờ sông Gianh

(QBĐT) - Ba Đồn-địa danh gắn liền với sông Gianh lịch sử cùng nhiều trầm tích bể dâu và bề dày văn hóa truyền thống.