Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyện về những đàn voọc ở núi Lèn Chồng, Lèn Vợ

  • 07:36 | Thứ Năm, 02/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Các cụ cao niên người Bru-Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) khẳng định rằng, từ hơn 40 năm trước, nhiều đàn voọc đã từng xuất hiện và sinh sống quanh ngọn núi Lèn Chồng (tiếng bản địa thường gọi là Lèn Chông), Lèn Vợ. Mãi cho đến khi anh Nguyễn Văn Tráng, một người dân ở xã Trường Sơn dùng điện thoại quay video và sau đó một số cơ quan báo chí đăng tải thông tin, đàn voọc ở bản Khe Cát bắt đầu được mọi người quan tâm tìm hiểu nhiều hơn…
 
Bản Khe Cát hiện có 106 hộ, 436 nhân khẩu, sống phân bố tại 3 cụm dân cư, đều là người Bru-Vân Kiều. Trong địa phận bản, có hai ngọn núi đá vôi khá cao và rộng lớn, nằm đối diện với nhau, được người dân địa phương quen gọi với cái tên rất gắn kết, thủy chung, đó là Lèn Chồng và Lèn Vợ.
 
Hồ Đài, Trưởng bản Khe Cát giới thiệu sơ lược với chúng tôi: Trước đây, toàn bộ cư dân bản đều cư trú sát chân ngọn Lèn Chồng (nay được gọi là cụm 1, hiện có 14 hộ, với trên 50 nhân khẩu). Sau khi có đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy cắt qua bản, phần lớn đồng bào ở cụm 1 đều chuyển ra sống cạnh tuyến đường này nhằm tiện bề giao thương (còn được gọi là cụm 2 hoặc cụm trung tâm bản), có vị trí nằm giữa ngọn Lèn Chồng và Lèn Vợ. Để thực hiện việc sáp nhập bản, năm 2005, UBND xã Trường Sơn đã bố trí thêm một khu đất sát chân núi Lèn Chồng, tiếp nhận thêm 10 hộ với hơn 40 nhân khẩu, chuyển từ bản Xà Biên (cũ) đến định cư tại đây (còn được gọi là cụm 3).
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra môi trường sống của đàn voọc tại ngọn núi Lèn Chồng, bản Khe Cát.
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra môi trường sống của đàn voọc tại ngọn núi Lèn Chồng, bản Khe Cát.
Ông Nguyễn Văn Tào, Phó trưởng bản Khe Cát cho biết: “Gia đình tôi nằm ở cụm 3, có vị trí liền kề với một vách đá thoáng đãng của ngọn Lèn Chồng, phía dưới có con suối chảy quanh. Với vị trí thuận lợi này, kể từ khi về định cư tại đây, gia đình tôi thường xuyên chứng kiến một đàn voọc thường hay đến đây trú ngụ, uống nước, nô đùa cùng nhau. Do đàn voọc có tập tính thường kiếm ăn từ các loại lá cây rừng ở trên cao, không phá hoại cây màu của bà con gieo trồng như khỉ, lợn rừng…, nên chúng không hề bị người dân xua đuổi, đánh bẫy hay lo ngại mà bỏ đi. Hơn nữa, người dân quanh đây rất yêu mến động vật hoang dã, xem sự xuất hiện của đàn voọc quanh khu vực này như những vật nuôi thân thiện trong gia đình. Vì thế, đàn voọc thường về đây kiếm ăn, nô đùa, rất gần gũi với đời sống sinh hoạt của đồng bào. Khi số lượng ở mỗi đàn voọc tăng cao, chúng sẽ tự tách đàn tìm lãnh địa mới nhằm giảm sự cạnh tranh về nguồn thức ăn, môi trường sống...”.
 
Rồi ông Tào kể tiếp, từ khi về định cư tại đây, hầu như tháng nào gia đình ông cũng chứng kiến có một đàn voọc khoảng từ 12-20 con xuất hiện ở vách đá gần nhà vào thời điểm sáng sớm hoặc chiều tà. Tần suất chúng xuất hiện cũng rất thất thường, có khi cả tháng trời mới được chứng kiến một lần, có khi 3-4 ngày đã nhìn thấy chúng trở lại.
 
“Từ khi phát hiện có sự xuất hiện của đàn voọc ở ngọn núi Lèn Chồng, trạm chúng tôi luôn bố trí Kiểm lâm địa bàn túc trực 24/24 giờ để phối hợp với các lực lượng chức năng bảo vệ một cách rất nghiêm ngặt, tạo môi trường sống trong lành, an toàn cho đàn voọc sinh sôi nảy nở…”, ông Hoàng Xuân Tình, Trưởng Trạm Kiểm lâm Trường Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh cho biết.

Nhiều năm qua, việc các đàn voọc chọn núi Lèn Chồng, Lèn Vợ ở bản Khe Cát làm nơi trú ngụ không phải là điều mới lạ đối với đồng bào nơi đây. Không ít người dân bản địa khi vào rừng làm ăn, tìm mật ong cũng từng chứng kiến voọc xuất hiện rải rác khắp khu vực ngọn Lèn Chồng, Lèn Vợ. Tuy nhiên, người dân không thể xác định quanh khu vực này có tổng số bao nhiêu đàn voọc còn tồn tại, cư trú. Bản thân ông Tào ước tính, tại thời điểm này, cả khu vực Khe Cát có ít nhất từ 2 đàn voọc trở lên đang cư trú.

Già làng Hồ Ai, bản Khe Cát giải thích: Ở bản Khe Cát có khá nhiều ngọn núi đất, đá và các khu rừng tự nhiên rộng lớn. Đây chính là vùng “đất lành” để các loài thú rừng như sơn dương, lợn rừng, chồn, khỉ, rắn… kéo về đây trú ngụ, sinh sôi nảy nở. Vào những năm 1980, bản thân tôi cùng rất nhiều người dân bản địa đã tận mắt chứng kiến các đàn voọc xuất hiện quanh hai ngọn Lèn Chồng, Lèn Vợ. Vì đặc tính của voọc luôn sống ở phía đỉnh lèn, thường xuất hiện vào buổi sáng sớm và lúc chiều tà, chỉ thi thoảng mới xuống thấp kiếm ăn, uống nước, nên người dân chẳng để ý nhiều.
 
Thêm vào đó, có những thời điểm (khoảng từ năm 2000-2010), nạn chặt phá rừng, săn bắt động vật hoang dã trái phép diễn ra tương đối nhiều ở địa bàn xã Trường Sơn, điều này dẫn đến các đàn voọc và một số động vật hoang dã khác xuất hiện với mật độ thưa dần đi. Người dân Khe Cát vì thế cứ lầm tưởng voọc nơi đây đã bỏ đi trú ngụ nơi khác hoặc bị rơi vào bẫy “lâm tặc”.
 
Sau giai đoạn đó, nhờ được cấp trên thường xuyên tuyên truyền về sự cần thiết chung tay bảo vệ rừng và động vật hoang dã, những khu rừng ở bản Khe Cát ngày càng được đồng bào chung tay giữ gìn nghiêm ngặt hơn. Đó cũng chính là nguyên do để nhiều loài động vật quý hiếm xuất hiện trở lại với tần suất dày đặc hơn, trong đó có sự xuất hiện của những đàn voọc ở ngọn Lèn Chồng, Lèn Vợ…
Hình ảnh về đàn voọc xuất hiện tại ngọn núi Lèn Chồng đầu năm 2024 (ảnh cộng tác viên cung cấp).
Hình ảnh đàn voọc xuất hiện tại ngọn núi Lèn Chồng đầu năm 2024 (ảnh cộng tác viên cung cấp).
Ông Hoàng Trọng Đức, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn tâm sự: “Sau khi nắm được thông tin có đàn voọc xuất hiện tại ngọn Lèn Chồng do người dân kể và quay video, UBND xã Trường Sơn tạm xác định đây là đàn voọc gáy trắng, với số lượng hiện chưa kiểm đếm chính xác được. Do nhận thấy đây là động vật quý hiếm nằm trong Sách Đỏ, cấm săn bắt, cần được bảo vệ nghiêm ngặt, UBND xã Trường Sơn đã khẩn trương báo cáo với các cơ quan chức năng, Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Làng Mô, các chủ rừng… để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ đàn voọc hiệu quả. Cùng với đó, UBND xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong quần chúng nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, phát triển rừng, nghiêm cấm các hành vi săn bắt, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm thịt thú rừng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại rừng và các loài động vật hoang dã trái phép, trong đó đặc biệt quan tâm đến các loài thú quý hiếm và đàn voọc ở địa phương…”.
 
Được biết, voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc họ khỉ, bộ linh trưởng, loài động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008; nằm trong nhóm IB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam, đang ở mức nguy cấp.
Văn Minh

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình 2024: Sáng tạo và bùng nổ

(QBĐT) - Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.

Nặng sâu nghĩa tình đồng đội

(QBĐT) - Vì nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp hội, đồng đội và người dân ghi lòng.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.