Quốc phòng - An ninh
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Tuyến lửa Quảng Bình và "con đường Thống nhất"

  • 06:28 | Thứ Ba, 30/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc đời tôi có may mắn gặp những người cần gặp ở Quảng Bình, trong đó có ông Lại Văn Ly . Cuộc đời ông thực sự “quăng quật” vì những tuyến đường nơi tuyến lửa Quảng Bình. Ông làm Trưởng ty Giao thông vận tải (GTVT) vào giai đoạn khốc liệt nhất: 1965-1968 và 1972-1973 (Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng ty). Đấy là hai thời điểm đế quốc Mỹ tiến hành hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, hòng “chặt đứt” con đường chi viện của miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Quảng Bình ở “tọa độ lửa” hứng “mưa bom, bão đạn”.
 
Nhớ lại dịp chuẩn bị biên soạn (bổ sung) cuốn sách Lịch sử GTVT Quảng Bình, 1945-2015, tôi được gặp ông hai lần. Căn nhà ông nhỏ bé, khiêm tốn, ở tổ dân phố 6, phường Đồng Phú (TP. Đồng Hới). Biết tôi đến để tìm hiểu, sửa đổi bổ sung lịch sử giao thông, ông Lại Văn Ly vui vẻ, tiếp chuyện.
 
Quảng Bình có một hệ thống “huyết mạch” trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử, nhưng ông Lại Văn Ly dành nhiều thời gian để nói về “con đường Thống nhất”, tức là đường 16. “Nó có xuất xứ và ý nghĩa của nó, chứ không phải thích là gọi đâu”, dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn sang sảng, gãy gọn.
Ông Lại Văn Ly, Trưởng ty GTVT Quảng Bình (người đứng) phát biểu tại hội nghị thi đua của ngành GTVT Quảng Bình, năm 1968. Ảnh: Tư liệu
Ông Lại Văn Ly, Trưởng ty GTVT Quảng Bình (người đứng) phát biểu tại hội nghị thi đua của ngành GTVT Quảng Bình, năm 1968. Ảnh: Tư liệu
Theo ông Lại Văn Ly, tại ngã tư Thạch Bàn (Lệ Thủy) đoạn cuối đường 15A có một nhánh rẽ về phía Đông huyện Lệ Thủy, một nhánh đi về phía Tây vào dãy Trường Sơn-nhánh này chính là đường 16. Năm 1956, khi Mỹ-Diệm thực hiện “khủng bố trắng” ở miền Nam, hàng trăm đồng bào Bru-Vân Kiều ở Quảng Trị chạy ra đường mòn này để lánh nạn. Từ năm 1958-1960, Trung ương cho mở rộng đường mòn từ ngã ba Thạch Bàn lên Làng Ho, dài 40km và có tên là đường 16.
 
- Quảng Bình có nhiều tuyến đường chiến lược, như: Đường 12, đường 20, đường 10... nhưng đường 16 có ý nghĩa riêng, trực tiếp nối Quảng Bình với Trị Thiên-Huế. Vì vậy, con đường này là con đường “tuyệt mật”, ông Lại Văn Ly chia sẻ.
 
Tuy nhiên, không phải thuận ngay từ đầu. Ông Lại Văn Ly hồi ức lại quãng thời gian đầu của con đường. Ông nhớ lời nói của tướng Đinh Đức Thiện, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần nói với mình rằng: “Thời đại này mà các cậu còn giữ chiếc xe thồ như thời Điện Biên Phủ thì làm sao mà đánh thắng Mỹ?”. Ông Lại Văn Ly trình bày tại cuộc họp, nhắc lại gợi ý của ông Hoàng Anh, Bí thư Khu ủy Trị Thiên (được Trung ương cử vào), muốn có con đường tiếp cận ngắn nhất, nhanh nhất với vĩ tuyến 17, dùng vận tải thô sơ là chủ yếu để giữ bí mật cao nhất.
 
Với sự tham gia của lực lượng Công trường 12A, Đội Thanh niên xung phong Quyết thắng của Quảng Bình và Đội Thanh niên xung phong Cù Chính Lan của Nghệ An, công trường đường 16 từ Vít Thù Lù lên Làng Ho, rồi dần dần đến Dốc Khỉ được mở rộng. “Xe cơ giới đã có thể đi được”, ông nhớ lại. Từ Dốc Khỉ vượt qua đèo 1001 vào đến Bắc sông Xê Băng Hiêng thì chỉ có 1,5m, chủ yếu vận tải thồ. Lực lượng tham gia thồ hàng trên tuyến đường chính là 4.000 xe thồ của dân công tỉnh Thanh Hóa.
 
- Đường 16 lúc đầu được chia ra làm hai tuyến nối nhau, ông Lại Văn Ly chi tiết. Tuyến “Thống nhất A” cũng gồm hai đoạn, từ Thạch Bàn đến Dốc Khỉ; đoạn thứ hai từ Dốc Khỉ vào Bắc sông Sê Băng Hiêng; tổng cộng dài 84km. Tuyến “Thống nhất B” từ phía Nam sông Sê Băng Hiêng đến phía Bắc đường 9, do Quân khu Trị Thiên phụ trách.
 
Con đường cũng như đời người, có số phận, sứ mệnh. Đường 16 tiếp tục được mở rộng thành 2,5m rồi... 4m. Cuối năm 1969, chiếc com-măng-ca đầu tiên đã vào được tận sông Sê Băng Hiêng, chở đoàn cán bộ Khu ủy Trị Thiên ra miền Bắc công tác. “Gặp nhau, chúng tôi mừng hết biết”, giọng ông Lại Văn Ly trầm xuống. Tôi hiểu, quá khứ đang hiện về trong tâm thức ông.
 
Năng lực vận chuyển trên đoạn tuyến “Thống nhất B” cũng được nâng cao. Theo ông Lại Văn Ly nhớ lại, cuối năm 1970 đã vận chuyển được 4.000 tấn hàng vào tới chiến khu Trị Thiên. Năm 1971, tuyến đường 16 được giao cho Đoàn 559 quản lý, tăng cường vận tải, phục vụ cho Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, góp phần phá tan cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của Mỹ ngụy.
 
- Có những kỷ niệm sâu sắc trên con đường, trên mỗi đoạn đường, mỗi bãi tập kết hàng, tôi không bao giờ quên. Nhấp chén nước chè, ông Lại Văn Ly bồi hồi.
"Con đường Thống nhất", con đường huyền thoại. Ảnh: Tư liệu.
Ông kể tôi nghe, có lần ông Võ Hạp, Chủ nhiệm Hậu cần Quân khu Trị Thiên đi qua một bãi tập kết hàng ở Dốc Khỉ, thấy bộ đội, lái xe đi lại tấp nập, các tấm nilon đậy hàng xanh, trắng lóe lên; ông Hạp quát to lên: “Tụi bay lộ liễu quá. Như cái chợ Đồng Xuân ở ngoài Hà Nội”. Tất nhiên là phải rút kinh nghiệm ngay, nhưng từ đó bãi tập kết hàng này lại được gọi là “Bãi hàng Đồng Xuân”. Có bãi hàng khác được gọi là “Ga Hàng Cỏ”, có đoạn đường được lính Hà Nội vào gọi là “Đại lộ Trần Hưng Đạo”...
 
Đó là những ngày tháng thực sự gian khổ, nhưng với quyết tâm “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, quân dân cả nước nói chung, Quảng Bình nói riêng sức chịu đựng thật phi thường.
 
- Vất vả không bút giấy nào tả hết, cháu ơi. Những cây chuối rừng ven đường cũng trở nên xơ xác. Nhiều đơn vị bộ đội hành quân qua đây lấy chuối non chấm muối hoặc nấu với mắm khô. Đói và sốt rét rừng. Nhiều chiến sĩ hành quân qua đây do bị sốt rét đành phải gửi lại các trạm.
 
“Con đường Thống nhất” cùng với các tuyến đường thuộc hệ thống đường chiến lược Trường Sơn đã đi đến ngày giải phóng. Từ những bước chân đầu tiên của các đơn vị giao liên, rồi gùi cõng hàng trên vai với phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, đến lúc xe cơ giới chạy được trên tuyến đường 16 là cả bước tiến dài, đầy mồ hôi và máu. “Con đường Thống nhất” gợi nhớ Trọng Tấn-Anh Thơ song ca bài hát “Đường bốn mùa xuân”: “Em hỏi anh có con đường nào là đường đẹp nhất?/Anh nói rằng: “Chỉ có con đường thống nhất hôm nay”/Đường Trường Sơn bát ngát rừng cây hay đường quốc lộ cũng dài theo đất nước” (Đỗ Nhuận).
 
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quảng Bình cũng là một trong các địa phương phát triển nhanh kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Đường chiến lược mang tên Trường Sơn năm xưa, từ lâu đã làm tên đường Hồ Chí Minh. Đường 16 với tư cách là một phần của lịch sử, mang tên khát vọng “con đường Thống nhất” mãi mãi là “nhân chứng”, là “ký ức” của thời hào hùng.Trước năm 1950, ông Lại Văn Ly là người thợ sắp chữ in. Ông từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, đại biểu Quốc hội (khóa VII) và nhiều cương vị khác. Năm 1999, ông được nghỉ hưu.
 
Tháng 3/2015, ông Lại Văn Ly mất. Ông chưa kịp cùng các thế hệ cán bộ, công nhân viên ngành GTVT Quảng Bình tham dự kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập ngành GTVT Việt Nam vào tháng 8 năm đó. Thế nhưng, tên ông vẫn được nhắc đến, nếu ai từng đi qua những tuyến đường huyết mạch. 
Ngô Đức Hành

tin liên quan

Ta bức địch bỏ vị trí Bắc sân bay Mường Thanh

Tiêu diệt 1 đại đội và 2 trung đội địch, 1 tăng 18 tấn, đánh chiếm một nửa sân bay về phía Bắc; trận địa ta đã xuyên qua sân bay Mường Thanh.

Ký ức của những người tham gia may lá cờ Mặt trận giải phóng

Những ngày tháng 4 này, đất nước hân hoan kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Gương mặt trẻ tiêu biểu

(QBĐT) - Không chỉ là gương mặt trẻ triển vọng, tiêu biểu như những danh hiệu anh được trao tặng, với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ và cống hiến của mình, đại úy Võ Huy Thắng, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (BĐBP) còn là cái tên đồng bào luôn nhớ đến và cấp trên, đồng đội tin yêu.