Ngân lên giai điệu quê hương-Bài 1: Những giai điệu đẹp

  • 07:21 | Thứ Tư, 24/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình, khúc ruột miền Trung-chiếc “đòn gánh” nối hai đầu đất nước là nơi giao thoa của các nền văn hóa và lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ… Đây còn là vùng “địa linh nhân kiệt” và là xứ sở của nhiều làn điệu dân ca mượt mà cùng những tuyệt tác âm nhạc thấm đượm tình quê.
 
Ở giai đoạn lịch sử nào, Quảng Bình đều có những ca khúc hay và nhiều tác phẩm “neo lại” trong lòng khán giả yêu nhạc. Với tình yêu quê hương, các thế hệ nhạc sĩ (NS), trong đó có nhiều NS Quảng Bình đã tạo nên một “Quảng Bình trong câu hát” với những ca khúc có câu từ mộc mạc, giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, gần gũi với người nghe, giàu giá trị nội dung và nghệ thuật. Qua đó, truyền đi thông điệp về tình yêu quê hương và con người Quảng Bình sâu nặng nghĩa tình.
 
Ngoài “Quảng Bình quê ta ơi” của NS Hoàng Vân được xem một trong những ca khúc hay nhất thể loại “tỉnh ca” trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, Quảng Bình còn có nhiều ca khúc được công chúng yêu nhạc cả nước đón nhận.
 
Trong những năm chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng với Vĩnh Linh (Quảng Trị) Quảng Bình vừa là tuyến đầu, vừa là hậu phương vững chắc cho chiến trường miền Nam đánh giặc. Tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên trung của quân, dân Quảng Bình được các NS trong cả nước chuyển tải qua nhiều ca khúc nổi tiếng, phổ biến rộng rãi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.
Vẻ đẹp, sức trẻ của TP. Đồng Hới được thể hiện trong nhiều ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ.
Vẻ đẹp, sức trẻ của TP. Đồng Hới được thể hiện trong nhiều ca khúc của các thế hệ nhạc sĩ.
Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu, như: “Giữ biển trời Quảng Bình-Vĩnh Linh” (Xuân Giao), “Đêm trên Cha Lo” (Phạm Tuyên), “Trên biển quê hương” (Đức Minh), “Gạo đến Trị Thiên”, “Đẹp sao năm gái quê ta”, “Chuyến phà đêm” (Quách Mộng Lân), “Tiếng hát đò đưa”, “Những con đò sông nước miền Trung” (Hoàng Sông Hương)…
 
Không chỉ nổi tiếng với “tỉnh ca”, nhiều tác phẩm có thể gọi là “huyện ca” mang đậm bản sắc văn hóa mỗi vùng quê lần lượt ra đời, tạo cho Quảng Bình bức tranh sinh động về đời sống âm nhạc. Nếu huyện Lệ Thủy có “Lời em cô gái Lệ Ninh” (Trần Hoàn), “Đưa em về Kiến Giang” (Xuân Đồng), “Suối Bang” (Lê Anh, thơ Hoàng Vũ Thuật)… thì người dân huyện Quảng Ninh tự hào cất cao tiếng hát qua những ca khúc, như “Xôn xao Quán Hàu” (Xuân Đồng) và sau này có “Quảng Ninh, tình đất, tình người” (Lê Đức Trí)…
 
Vùng đất của di sản Bố Trạch và các huyện, thị xã: Quảng Trạch, Ba Đồn lại có nhiều ca khúc quen thuộc với công chúng yêu nhạc, như: “Chuyện tình Phong Nha” (Hoàng Sông Hương), “Khúc hát vực Nồi” (Trần Hoàn), “Sông Gianh chín nhịp cầu” (Phó Đức Phương)…
 
Cảnh quan thiên nhiên, đời sống sinh hoạt, phong tục tập quán của người dân các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa luôn có sức hấp dẫn đối với các NS để rồi nhiều ca khúc độc đáo của vùng đất này được khán giả yêu nhạc cả nước biết đến, như: “Về Đồng Lê”, “Đường lên Quy Đạt (Trần Hoàn), “Vấn vương Minh Hóa quê mình” (Dương Viết Chiến)…
TP. Đồng Hới, “trái tim” của tỉnh là nơi hội tụ nhiều ca khúc hay, giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng. Điển hình là “Phố biển tình anh” (Hoàng Sông Hương), “Nhớ Nhật Lệ” (Trần Hoàn), “Chia tay đầu phố nhỏ” (Thái Quý, thơ Xuân Hoàng), “Nhớ về mẹ Suốt” (An Thuyên), “Huyền thoại trăng Nhật Lệ” (Hoàng Sông Hương, thơ Lý Hoài Xuân)…

Đối với các NS người Quảng Bình, quê hương luôn là nguồn cảm xúc bất tận trong sáng tác âm nhạc. NS Đinh Gia Hòa, một người con Đồng Hới lập nghiệp ở TP. Đà Nẵng tâm sự: “Tôi luôn dành trọn tình yêu với quê hương. Giọng hò khoan Lệ Thủy, dòng Nhật Lệ hiền hòa, nét rêu phong của tháp chuông nhà thờ Tam Tòa… đều là niềm thương, nỗi nhớ để tôi gửi gắm, chuyển tải vào trong mỗi ca khúc.

Nhiều tác phẩm âm nhạc về Quảng Bình tạo ấn tượng đặc biệt với người xem
Nhiều tác phẩm âm nhạc về Quảng Bình tạo ấn tượng đặc biệt với người xem.
Từ “Bài ca phố biển” viết trong những năm đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt đến “Mơ về Nhật Lệ”, “Tiếng vọng Phong Nha”, “Quảng Bình đất mẹ yêu thương”, “Hoàng hôn Nhật Lệ”, “Quảng Bình đón Bác”… đều ẩn chứa tình yêu quê hương và niềm hạnh phúc, tự hào khi thấy sự phát triển vươn lên của vùng đất từng xác xơ vì bom đạn cày xới”.
 
Chi hội trưởng Chi hội NS Việt Nam tỉnh Lê Đức Trí cho rằng: Nói đến kho tàng âm nhạc Quảng Bình không thể không kể đến thế hệ “vàng” với bộ ba NS Quách Mộng Lân, Dương Viết Chiến, Hoàng Sông Hương. Họ đã bằng tài năng nghệ thuật, tình yêu, trách nhiệm với quê hương để sáng tác nên nhiều ca khúc có sức sống trường tồn với thời gian. Trải nghiệm thực tế cuộc sống và tinh thần lao động miệt mài của các NS luôn là tấm gương sáng để các thế hệ học tập, noi theo.
 
Nối tiếp thế hệ đi trước, các NS: Dương Nguyệt Ánh, Lê Đức Trí… đã thể hiện tinh thần trách nhiệm với nghề qua nhiều ca khúc, như “Miên man Long Đại”,  “Vũ điệu Phong Nha”, “Tiếng ru”, “Nơi tôi tìm về”, “Khúc ru miền Trung”… (Dương Nguyệt Ánh); “Dòng sông tình mẹ”, “Quảng Bình ghi nhớ ơn Người”, “Đẹp mãi giữa lòng dân”, “Hãy tin vào ngày mai”, “Bất tử”, “Lèn Hà, bản hùng ca bất tử”… (Lê Đức Trí).
 
Sự ra đời của nhiều ca khúc về quê hương Quảng Bình cho thấy tinh thần trách nhiệm với quê hương của lực lượng sáng tác chuyên và không chuyên trên địa bàn tỉnh. Qua từng tác phẩm, người nghe bắt gặp những giai điệu quen thuộc dựa trên các làn điệu dân ca cùng những tác phẩm phá cách, mới mẻ, hiện đại. Tất cả đều thể hiện tình yêu nồng nàn với quê hương và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Những giai điệu ấy đã đi vào đời sống của người dân Quảng Bình, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp và sự đổi thay của quê hương qua thời gian. Đó là động lực để các NS vượt khó, cống hiến hết mình cho lao động nghệ thuật nhằm tạo nên một “Quảng Bình ca” lấp lánh những thanh âm.
 
Với những rung cảm và tình yêu dành cho Quảng Bình, các thế hệ NS đã sáng tác nhiều ca khúc mang đậm dấu ấn vùng đất. Qua đó, giới thiệu cảnh sắc thiên nhiên, nét đặc trưng văn hóa và tri ân các bậc tiền nhân, những người đã góp công sức và cả xương máu cho một Quảng Bình hôm nay và mai sau.
Nh.V
Bài 2: Bao giờ trở lại ngày xưa?

tin liên quan

Trưng bày 'Điện Biên Phủ-Tinh thần bất diệt' giới thiệu hàng trăm tài liệu, hiện vật quý

Chiều 22/4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Trưng bày chuyên đề "Điện Biên Phủ - Tinh thần bất diệt" sẽ chính thức mở cửa từ ngày 25/4 đến tháng 6/2024 tại Bảo tàng.

Bế mạc Hội rằm tháng ba Minh Hóa năm 2024

(QBĐT) - Ngày 23/4, Ban Tổ chức Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2024 tổ chức bế mạc và trao thưởng bộ môn thi đấu bóng chuyền nam, nữ. 

Ấn tượng chương trình nghệ thuật "Về miền sơn cước"

(QBĐT) - Tối 22/4, tại sân vận động huyện Minh Hóa, Ban Tổ chức Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba huyện Minh Hóa năm 2024 tổ chức chương trình nghệ thuật "Về miền sơn cước".