TP. Đồng Hới: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ

  • 07:43 | Thứ Năm, 02/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để bảo đảm an toàn, tránh thiệt hại về người, phương tiện, cơ sở vật chất…nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn TP. Đồng Hới đã chú trọng thực hiện các giải pháp đồng bộ, ứng dụng công nghệ cao vào công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH)… Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh và thời tiết cực đoan, trên địa bàn thành phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ xảy ra rất cao, cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành và mỗi một người dân.
 
Lo ngại nguy cơ cháy, nổ cao
 
TP. Đồng Hới là trung tâm kinh tế-xã hội của tỉnh, có diện tích trên 150km2, với 15 đơn vị hành chính xã, phường; trụ sở các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bố trí đan xen giữa các khu dân cư; có 13 chợ, 2 bến xe, 1 sân bay, 1 nhà ga, 1 bến cảng; có tuyến Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc-Nam đi qua…
 
Cùng đó, các công trình công cộng, trụ sở, kho tàng, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhà ở, tàu cá… trên địa bàn thành phố được xây dựng, phát triển nhanh, nguyên vật liệu, vật tư, hàng hóa tập trung nhiều, đa dạng, phong phú về chủng loại; trong khi thời tiết cực đoan, nắng nóng thường kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Theo thống kê, trong năm 2023, trên địa bàn thành phố xảy ra 1 vụ cháy, 15 điểm phát lửa và 2 vụ cháy rừng.
TP. Đồng Hới tổ chức hội thi, nâng cao nghiệp vụ công tác PCCC và CNCH.
TP. Đồng Hới tổ chức hội thi, nâng cao nghiệp vụ công tác PCCC và CNCH.
Ông Đỗ Hữu Việt, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới (Công ty TNHH MTV Lâm Công nghiệp Long Đại) cho biết: Mặc dù đơn vị đã có các biện pháp phối hợp, chủ động dập tắt kịp thời các điểm phát lửa, nhưng hiện nay, nhiệm vụ quản lý rừng, PCCC rừng vẫn đứng trước nhiều khó khăn do một số nguyên nhân. Trong đó, thực trạng đáng lo ngại là tại khu vực giáp ranh khu công nghiệp, người dân đổ rác thải công nghiệp xây dựng dọc các tuyến đường, như: Đường Nam Lý-Trung Trương; Trung Trương về làng nghề Phú Vinh; tuyến đường cao tốc Bắc-Nam đi qua diện tích rừng đầu nguồn hồ Phú Vinh...
 
Bên cạnh đó, nguy cơ xảy ra hỏa hoạn các chợ trên địa bàn thành phố là rất cao. “Ban Quản lý (BQL) chợ Đồng Hới hiện quản lý 4 chợ, hơn 2.500 hộ kinh doanh, trong đó có 2 chợ loại 1 (chợ Đồng Hới và Nam Lý), 2 chợ loại 2 (chợ Cộn và Công Đoàn). Các chợ là đầu mối tập trung số lượng hàng hóa với nhiều chủng loại, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
 
Tại chợ Nam Lý, một số khu “ổ chuột” do các hộ kinh doanh tự che chắn để sử dụng lâu năm, công trình hàng quán xuống cấp với các vật liệu và hàng hóa dễ bén lửa cũng là điều đáng lo ngại”, Trưởng BQL chợ Đồng Hới Võ QuốcThịnh trăn trở.
Một số khu vực chợ Nam Lý xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và gây thiệt hại cao
Một số khu vực chợ Nam Lý xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra hỏa hoạn và gây thiệt hại cao
 
Để PCCC và CNCH hiệu quả
 
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Nguyễn Đức Cường cho biết: Trước tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, TP. Đồng Hới đã đề ra các giải pháp, phương án PCCC và CNCH cụ thể. Theo đó, ngoài các giải pháp thường xuyên sử dụng, thành phố ưu tiên và nhân rộng việc ứng dụng công nghệ cao vào công tác PCCC và CNCH. Trong đó, tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình bảo đảm an toàn về cháy, nổ, CNCH, như: Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng về PCCC” tại hộ gia đình kết hợp kinh doanh liền kề, các khu dân cư, địa bàn cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, xe chữa cháy khó tiếp cận. Trên cơ sở thực tế lĩnh vực quản lý, các đơn vị bảo vệ rừng, BQL chợ… trên địa bàn sẽ ứng dụng công nghệ vào công tác PCCC và CNCH.  
 
Tuy nhiên, theo báo cáo của BQL chợ Đồng Hới về thực hiện kiến nghị của đoàn kiểm tra trước đó: Diện tích kinh doanh của các đình chợ ở Đồng Hới với trên 2.000m2 nhưng chưa lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng nước tự động (Sprinkler) hoặc hệ thống chữa cháy tự động xối nước (Drencher) theo quy định tại mục 11.4-Tiêu chuẩn Việt Nam 6161:1996. Đến nay, đã hết thời gian kiến nghị, nhưng trước những khó khăn về tài chính, việc thực hiện lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng nước tự động theo yêu cầu PCCC đúng thời hạn là nằm ngoài khả năng của BQL chợ.
Áp dụng mô hình “Lắp đặt hệ thống máy bơm nước gắn trên xe ô tô bán tải, góp phần nâng cao hiệu quả trong CCR” đạt hiệu quả cao.
Mô hình “Lắp đặt hệ thống máy bơm nước gắn trên xe ô tô bán tải, góp phần nâng cao hiệu quả trong chống cháy rừng” được triẻn khai thực hiện.
“Vì vậy, để khắc phục tồn tại trên, BQL chợ Đồng Hới đề xuất, cơ quan có thẩm quyền xem xét, cho phép BQL chợ tiếp tục duy trì sử dụng, bảo dưỡng hệ thống PCCC hiện có, bảo đảm thực hiện tốt công tác PCCC của đơn vị thời gian tới. Đồng thời đề nghị UBND TP. Đồng Hới có ý kiến với Công an tỉnh về việc thực hiện lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng nước tự động; quan tâm hỗ trợ, bố trí nguồn kinh phí, thực hiện khảo sát thiết kế hệ thống chữa cháy bằng nước tự động tại các chợ hạng 1 trên địa bàn; có kế hoạch phân bổ nguồn kinh phí tổ chức triển khai lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng nước tự động trong những năm tới bảo đảm yêu cầu PCCC”, ông Võ Quốc Thịnh trao đổi thêm.
 
“TP. Đồng Hới sẽ tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về công tác PCCC và CNCH đối với các địa bàn, đối tượng trọng điểm, như: Các địa phương có rừng, chợ, trung tâm thương mại, du lịch; loại hình nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp kinh doanh chất hàng nguy hiểm cháy nổ, cơ sở nhà trẻ, trường mầm non, cơ sở trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, cơ sở khám chữa bệnh và các ngành nghề kinh doanh; triển khai quyết liệt, nghiêm túc đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC, phấn đấu 100% khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn được hướng dẫn, kiểm tra, phúc tra, không xảy ra cháy, nổ”, Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan nhấn mạnh.

Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới Đỗ Hữu Việt cho hay: Đơn vị quản lý trên 2.000ha rừng trồng sản xuất và rừng phòng hộ ở phía Tây thành phố. Phần lớn diện tích rừng đều có địa hình phức tạp, đồi núi, dốc cao nên khi có điểm phát lửa, vấn đề chữa cháy rừng rất khó khăn. Thời gian qua, nhờ áp dụng mô hình “Lắp đặt hệ thống máy bơm nước gắn trên xe ô tô bán tải, góp phần nâng cao hiệu quả trong chữa cháy rừng”, việc tiếp cận hiện trường dễ dàng hơn, kiểm soát và kịp thời dập tắt hoàn toàn khi đám cháy chưa lan rộng.

Qua thực tế PCCC những mùa hè nắng nóng, đơn vị đã chủ động trong mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Mặt khác, để người dân gắn bó và nâng cao ý thức bảo vệ rừng, đơn vị cũng mạnh dạn đề xuất, từ diện tích rừng tự nhiên, nên chăng rà soát, đánh giá hiện trạng tài nguyên rừng, từ đó có phương án áp dụng mô hình kinh doanh rừng kết hợp du lịch sinh thái dược liệu…
Hương Trà

tin liên quan

Quý I/2024, thu gần 600 triệu đồng bảo hiểm xã hội

(QBĐT) - Trong quý I/2024, toàn tỉnh thu được 590.519 triệu đồng BHXH, đạt 22,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, cao hơn 66.923 triệu đồng, tương ứng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 1,9% so với kế hoạch thu quý I/2024 (21%). 

Quảng Ninh: Huy động lực lượng khoảng 500 người tham gia chữa cháy rừng

(QBĐT) - Ngày 30/4, thông tin từ UBND huyện Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, vụ cháy rừng tại xã Hải Ninh đã cơ bản được khống chế. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 4-5ha rừng trồng bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.
 

Quảng Ninh: Cháy rừng phòng hộ ven biển ở Hải Ninh

(QBĐT) - Chiều 29/4, ông Hoàng Minh Lễ, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (Quảng Ninh) cho biết, trên địa bàn xã xảy ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng tại thôn Tân Định.