Đất và người Quảng Bình
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chợ xưa trong miền nhớ

  • 07:46 | Thứ Năm, 02/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trải qua bao thăng trầm, chìm nổi của thời gian, chợ Đồng Hới vẫn ở đó, bền bỉ, kiên gan bên dòng Nhật Lệ như “chứng nhân” cho từng giai đoạn lịch sử đổi thay của thành phố “Hoa hồng”. Dẫu vật đổi sao dời, người xưa cảnh khác, nhưng chợ vẫn giữ vẹn nguyên trong mình nét độc đáo riêng có và trở thành kỷ niệm tuổi thơ, nơi mong đến, chốn mong về của biết bao người dân Đồng Hới.
 
Nhắc nhớ đến Đồng Hới, trong cuốn “Du lịch Quảng Bình” năm 1931, tác giả Nguyễn Kinh Chi (ông là bác sĩ người Việt đầu tiên đến làm việc tại Nhà thương Đồng Hới) đã viết về thương mại Đồng Hới thời kỳ này đơn giản trong mấy dòng: “Khu vực thương mại ở đông-nam. Khách du lịch theo lối cửa nam (cửa tả) ra khỏi cái cầu thời đến trước một tòa nhà lớn, trên cửa có đề chữ “Bungalow”từ đó theo con đường trên bờ hào mà đi ra phố, mươi lăm phố khách vài chục phố ta, ở rải rác trên mấy con đường chật hẹp, đó là phố phường Đồng Hới…”. Chợ Đồng Hới giai đoạn này không được nhắc nhớ nhiều bởi: “… Sự thương mại lớn thời chợ Ba Đồn chiếm cả, ở đây chỉ buôn bán các món tạp hóa vụn vặt không có gì đáng chú ý…”.
 
Trong địa cuốn “Địa chí Đồng Hới”, nhà nghiên cứu Nguyễn Tú dành những dòng trang trọng để giới thiệu về chợ Đồng Hới trước Cách mạng tháng Tám 1945, “Đồng Hới chỉ vẻn vẹn 7 làng quanh quần với nhau trong một địa giới hết sức hạn hữu, hết sức gọn gàng, lại cũng rất cách biệt, xa vời nhau, không có sự tập trung cao như ngày nay... Trong 7 làng chia ra làm 3 cụm dân cư ấy, người ta chỉ thấy sự đô hội ở khu vực phía Nam, và trong khu vực này cũng chỉ có hai con đường đi về chợ Đồng Hới: Đó là đường Phố Chợ (Rue du marché) và đường Quảng Bình Quan (Rue Porte Quảng Bình)”.
 
Theo ký ức của nhà nghiên cứu Nguyễn Tú, chợ Đồng Hới xưa kia nằm gần đúng vị trí của chợ Đồng Hới ngày nay. Nhưng quy mô thời ấy chỉ là ba cái đình dài và rộng ven đường bờ sông. Đình phía Bắc bán ngũ cốc, lương thực, một đình ở giữa chuyên bán hàng tạp hóa, đình phía Nam bán thực phẩm, chủ yếu là thịt, cá, rau, dưa... Chợ còn có sân đình là nơi bày bán hàng vặt từ các làng xóm ngoại vi thị xã mang đến, như: Củi, than, gà, vịt, hoa quả tươi…
 
Điểm đặc biệt nhất của chợ chính là trên bến dưới thuyền. Bên cạnh các thuyền cá, bến chợ còn có các đò ngang, đò dọc chuyên lên mạn Quảng Ninh, Lệ Thủy và cũng là nơi “tập kết” của các ghe từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định… đưa hàng đến và xuất hàng đi. Chợ trở thành nơi giao thương của khách ngoại tỉnh và được nhiều người xa gần biết đến.
 Một con phố của Đồng Hới ngày trước.(Ảnh: Phan Thanh Xuân cung cấp)
Một con phố của Đồng Hới ngày trước.(Ảnh: Phan Thanh Xuân cung cấp)
Cũng không thể không nhắc đến con đường mang tên Phố Chợ xuyên dọc chính giữa khu vực phía Nam, đi từ mép hào thành phía Nam thẳng đến gặp và cắt ngang đường Quảng Bình Quan vào giáp đường Bờ Sông, đây là con đường duy nhất có phố xá, tiệm buôn lớn nhất so với các con đường khác trong thị xã lúc bấy giờ. Còn đường Quảng Bình Quan (nay là đường Mẹ Suốt) bắt đầu từ Quảng Bình quan đi thẳng xuống bờ sông, xuyên qua chợ Đồng Hới, hòa mình vào khu vực chợ.
 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đặng Thị Kim Liên (xã Đức Ninh, TP. Đồng Hới) cho biết, vốn dĩ trước đây, manh nha của chợ Đồng Hới chính là chợ bến, được hình thành khi người dân ở xóm Câu đi đánh cá về đưa đến vùng cửa sông để bán, người dân các làng khác cũng đến mua bán nhộn nhịp. Về sau, bà con các làng khác ở khu vực xung quanh lại mang thêm hàng hóa, như: Rau dưa, hoa quả… đến để bán. Cứ như thế, chợ bến ngày càng đông đúc, tấp nập hơn, về sau chợ chuyển dần về làng Động Hải xưa và biến thiên theo thời gian, tồn tại từ đó cho đến nay.
 
Trong ký ức của bà, chợ Đồng Hới thuở đó có 3 đình bán đầy đủ các hàng hóa, thực phẩm, mùa nào thức nấy, nhất là có cả hàng ăn uống với các loại bánh trái truyền thống. Dù đông đúc là vậy, nhưng chợ Đồng Hới vẫn rất ngăn nắp, gọn gàng. Đặc biệt, vào buổi chiều, chợ trở thành “chợ cá”, trên bến dưới thuyền tấp nập. Không chỉ thu hút tiểu thương trong thị xã, chợ còn có tiểu thương từ các chợ Hôm, chợ Tréo… (Lệ Thủy), chợ Ba Đồn, chợ Thanh Khê (Bố Trạch), chợ Cảnh Dương (Quảng Trạch)… Chợ thực sự trở thành trung tâm buôn bán của thị xã thời bấy giờ.
 
Nhắc nhớ kỷ niệm lúc 10-11 tuổi được mẹ giao đi bộ từ Đức Ninh về tận chợ Đồng Hới để mua từng con cá tươi ngon, nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên vẫn còn rưng rưng xúc động. Quãng đường tuy xa nhưng không ngăn được sự háo hức, mong chờ được đến chợ. Chợ Đồng Hới gắn bó với bao hồi ức tuổi thơ thời khốn khó của bà với mỗi lần được đi chợ là cả một niềm vui, chứa đựng niềm hạnh phúc con trẻ không thể sánh bằng.
 
Ông Phan Thanh Xuân, người gần 30 năm sưu tầm tư liệu về Quảng Bình cho biết, trong số tư liệu ông sưu tầm được, hình ảnh về chợ Đồng Hới trước năm 1945 hầu như không có, chủ yếu là hình ảnh về các đường phố của thị xã xưa qua nguồn tư liệu hiếm hoi từ nước ngoài. Thật là một điều đáng tiếc cho những ai muốn tìm về hình ảnh của chợ Đồng Hới ngày xưa cũ.

Trong chiến tranh chống Mỹ, cũng như toàn thị xã, chợ Đồng Hới hoang tàn đổ nát và nay sau bao nỗ lực của chính quyền, người dân, chợ đã trở lại xứng tầm là nơi giao thương trung tâm của thị xã ngày trước cũng như thành phố ngày nay. Với bao tình cảm dành cho chợ Đồng Hới, cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Đặng Thị Kim Liên đã sáng tác bài thơ “Tình chợ bến sông” và được chồng bà, nhạc sĩ Dương Viết Chiến phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Bài hát sau này được tiểu thương chợ Đồng Hới yêu thích, gói gọn tình cảm của người dân thành phố dành cho địa danh quen thuộc này:

 
Bên bờ Nhật Lệ chợ bến ngày xưa
Thuyền buồm bán buôn vào ra
                                                     tấp nập
Nay chợ Đồng Hới thành trung 
                                     tâm thương mại
Khách thập phương về mua sắm
                                                     đông vui
Từ hàng vải, áo quần, chăn ra nệm
Đến đồ điện, dép giày, mỹ phẩm 
                                  và dụng cụ gia đình
Ôi…, từ thịt, cá, hàng tươi sống, gia vị
 đến rau dưa bún bánh và hoa quả 
                                                       bốn mùa
Bao nhiêu hàng hóa chứa chan 
                                                 tình người...”
 
Chợ Đồng Hới ngày nay trở thành một trong những điểm đến không thể thiếu trong “cẩm nang du lịch” của du khách dừng chân ở Quảng Bình. Những đặc sản quê hương từ tôm, cá, cua, ghẹ cho đến khoai deo, các loại bánh truyền thống… đã gói trọn tình cảm của người dân Đồng Hới dành cho du khách gần xa. Tiểu thương chợ Đồng Hới cũng trở thành những “hướng dẫn viên du lịch” để giới thiệu đến du khách cái hay, cái đẹp của một ngôi chợ “sống cùng thành phố”, chứng kiến bao đổi thay của mảnh đất bên sông Nhật Lệ này…
Mai Nhân

tin liên quan

Văn học-nghệ thuật Quảng Bình, 35 năm trở về và phát triển

(QBĐT) - Sau gần 14 năm sáp nhập tỉnh, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ đã chung sức vào công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, hành trình ấy đến nay vừa tròn 35 năm.   

Sông Son dậy sóng

(QBĐT) - Vào dịp lễ 30/4 và 1/5, người dân Bố Trạch và du khách thập phương lại háo hức đón chờ lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Son. Trên khắp nẻo đường quê hương di sản Phong Nha-Kẻ Bàng tấp nập cờ hoa, hai bên bờ sông Son rộn vang tiếng hò reo, cổ vũ cho những thuyền đua, dậy sóng cả một vùng...

Di tích lịch sử nhà thờ họ Trần Côi làng La Hà

(QBĐT) - Họ Trần Côi làng La Hà, xã Quảng Văn (TX. Ba Đồn) là dòng họ tiêu biểu có truyền thống học hành đỗ đạt khoa bảng, có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.