Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

  • 08:15 | Thứ Bảy, 04/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, huyện Quảng Ninh đã chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.
 
Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi
 
Những năm qua, việc ứng dụng công nghệ chuồng kín; sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn, thiết bị điều chỉnh nước uống tự động cho gà; hệ thống xử lý chất thải, hệ thống điện chủ động… được nhiều trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Quảng Ninh áp dụng.
 
Trên diện tích 2,2ha đất vùng gò đồi thôn Vĩnh Tuy 1, xã Vĩnh Ninh, ông Trần Thiện Thuật đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi lợn, cá, kết hợp trồng cây ăn quả. Ông Thuật cho biết, với mong muốn tìm hướng đi mới, bền vững để phát triển kinh tế gia đình, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn. Với phương thức chăn nuôi khép kín, chuồng nuôi được xây dựng tách biệt và được lắp đặt hệ thống điều hòa nhiệt độ điều chỉnh theo từng mùa. Trang trại thường xuyên duy trì nuôi 30 lợn nái sinh sản, 200-250 con lợn thịt; mỗi năm xuất ra thị trường gần 45 tấn lợn hơi. Tận dụng thức ăn dư thừa và phân từ chăn nuôi lợn, ông làm phân bón cho cây trồng và làm thức ăn chăn nuôi cá. Mỗi năm, ông Thuật bán ra thị trường 1,2 tấn cá các loại, 15-17 tấn cam, ổi…
 
Công ty TNHH Buntaphan Quảng Bình (xã Trường Xuân, Quảng Ninh) đi vào hoạt động từ năm 2019 với công suất thiết kế nuôi 2.400 lợn nái, 50 lợn đực, 19.000 lợn thương phẩm/năm. Công ty có 2 khu riêng biệt chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản, quy trình chăn nuôi khép kín được kiểm soát chặt chẽ. Hệ thống chuồng trại được xây dựng quy mô với công nghệ hiện đại, gồm: Hệ thống chuồng kín có tự động điều khiển nhiệt độ, hệ thống cung cấp thức ăn, nước uống tự động; áp dụng công nghệ cao trong việc lai tạo giống, thụ tinh nhân tạo với những trang thiết bị hiện đại hàng đầu Việt Nam… Công ty luôn duy trì bình quân đàn lợn nuôi từ 16.000-17.000 con; tổng đàn đến thời điểm hiện tại là 18.453 con.
 
Thông tin từ Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Quảng Ninh, hiện, trên địa bàn huyện có 11 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, như: Chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thương phẩm, chăn nuôi gà theo quy trình khép kín, nuôi trồng thủy sản công nghệ mới…
Nhiều hộ gia đình ở Quảng Ninh mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi hiện đại.
Nhiều hộ gia đình ở Quảng Ninh mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi hiện đại.
 
Sản xuất tập trung gắn với an toàn dịch bệnh
 
Theo Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh; đặc biệt chú trọng thực hiện các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rộng rãi trong chăn nuôi; tập trung phát triển các giống vật nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao.
 
Đến thời điểm hiện tại, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn huyện được duy trì tốt, đàn bò lai chiếm 68% tổng đàn. Các giống bò năng suất, chất lượng cao vẫn đang được sử dụng để phối giống trên địa bàn và được người chăn nuôi ưa chuộng, như: Droughtmaster, BBB… Chất lượng đàn lợn đã chuyển biến tích cực, các công ty, trang trại, gia trại chăn nuôi lợn ngoại đầu tư đưa các giống lợn mới có năng suất, chất lượng cao vào nuôi cho kết quả tốt, tỷ lệ đàn lợn có 100% máu ngoại, chiếm hơn 50% tổng đàn. Chất lượng con giống đàn gia cầm luôn được chọn lọc đáp ứng nhu cầu của thị trường, các giống gia cầm được sử dụng nhiều, như: Gà Lượng Huệ, gà Minh Dư, gà CP, vịt Super...
 
Từ đầu năm đến nay, đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, dịch bệnh gia súc, gia cầm được kiểm soát; tổng đàn lợn và gia cầm tăng so với cùng kỳ; đàn trâu, bò có xu hướng giảm nhẹ do giá bán thịt hơi giảm, điều kiện chăn thả ngày càng thu hẹp. Hiện nay, tổng đàn lợn có 42.967 con, đàn trâu có 3.220 con, đàn bò 5.826 con và đàn gia cầm 676.000 con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2024 đạt 2.078 tấn, tăng 5,8% so cùng kỳ.
 
Nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng giá trị, bền vững, huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm; tăng cường công tác giám sát dịch và phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh các khâu dịch vụ trong chăn nuôi, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng; quan tâm chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng đối với các vùng chăn nuôi tập trung đã được phê duyệt trong quy hoạch nông thôn mới.
 
Huyện Quảng Ninh hiện có 3 doanh nghiệp, 22 trang trại và hơn 300 gia trại chăn nuôi. Một số doanh nghiệp, trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến khép kín, chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi…

Huyện khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại xa khu dân cư, gắn với an toàn dịch bệnh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo điều kiện để người dân có nhu cầu phát triển trang trại được thuê đất ở vùng quy hoạch chăn nuôi đã được huyện phê duyệt trong quy hoạch nông thôn mới để sản xuất; khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học như nuôi lợn, gà trên đệm lót sinh học, sử dụng công nghệ vi sinh trong chăn nuôi, dùng thức ăn chăn nuôi bằng các chế phẩm sinh học không gây hại cho môi trường và người tiêu dùng; nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm thông qua việc thực hiện cải tạo đàn bò, đưa các giống mới phù hợp điều kiện địa phương vào nuôi.

Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, tăng cường giám sát dịch bệnh, có phương án dập dịch khi xảy ra trên địa bàn; xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung để giảm các điểm giết mổ nhỏ lẻ, thực hiện tốt kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y và phát triển mạnh dịch vụ thú y; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi, xây dựng các mô hình chăn nuôi tiên tiến; tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để giúp người chăn nuôi thường xuyên cập nhật những kỹ thuật chăn nuôi mới.
Lan Chi

tin liên quan

Nặng sâu nghĩa tình đồng đội

(QBĐT) - Vì nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp hội, đồng đội và người dân ghi lòng.

Thành tựu kinh tế ấn tượng sau 49 năm "non sông thu về một mối"

Từ khi đất nước thống nhất (ngày 30/4/1975) đến nay, Việt Nam đã đạt những thành tựu kinh tế đáng khâm phục.

Quý I/2024, thu gần 600 triệu đồng bảo hiểm xã hội

(QBĐT) - Trong quý I/2024, toàn tỉnh thu được 590.519 triệu đồng BHXH, đạt 22,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, cao hơn 66.923 triệu đồng, tương ứng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 1,9% so với kế hoạch thu quý I/2024 (21%).