Phòng, chống cháy nổ tại chợ Ba Đồn: Đừng để "nước đến chân mới nhảy"

  • 08:56 | Thứ Sáu, 03/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chợ Ba Đồn là một trong những chợ có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nhiều hạng mục công trình ở đây đã được xây dựng từ lâu, không đáp ứng các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
 
Vào lúc 18 giờ ngày 28/9/2023, tại chợ Ba Đồn xảy ra một vụ cháy. Đám cháy bất ngờ bùng phát tại một quầy hàng kinh doanh, sửa chữa đồ dùng điện tử, chăn màn bên trong chợ Ba Đồn.
 
Vụ việc xảy ra vào thời điểm các tiểu thương nơi đây đã đóng cửa quầy hàng nghỉ bán để về nhà. Phát hiện đám cháy, người dân đã tri hô, hỗ trợ dập đám cháy đồng thời báo lên chính quyền địa phương, lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ để xử lý. Vụ cháy khiến 6 quầy hàng bị thiệt hại, trong đó có 3 quầy bị lửa thiêu rụi toàn bộ hàng hóa. Trước đó, vào năm 2015, chợ Ba Đồn cũng từng bị cháy và gây ra thiệt hại khá lớn với 23 quầy hàng bị thiêu rụi, tổng thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng.
Rất ít tiểu thương ở chợ Ba Đồn trang bị bình chữa cháy.
Rất ít tiểu thương ở chợ Ba Đồn trang bị bình chữa cháy.
Phó Giám đốc Ban Quản lý các công trình công cộng TX. Ba Đồn Đinh Bình Quân cho biết, chợ Ba Đồn có tổng diện tích hơn 47.000m2, gồm có 3 đình chính. Ngoài số lượng 671 quầy được cấp thẻ kinh doanh, chợ còn có khoảng 400 quầy hàng buôn bán, kinh doanh khác. Phần lớn hàng hóa kinh doanh tại chợ là hàng dễ cháy, khi có cháy xảy ra sẽ gây khó khăn về việc cứu người, cứu tài sản và chữa cháy. Do chợ được xây dựng từ lâu, một số hạng mục công trình xuống cấp và không còn phù hợp với quy định mới về PCCC.
 
Mặc dù chợ Ba Đồn đã xảy ra nhiều vụ cháy, gây thiệt hại lớn về tài sản, song ý thức của tiểu thương nơi đây về công tác PCCC vẫn còn chủ quan. Bà Nguyễn Thị Bích Vân là một trong số tiểu thương có quầy hàng bị thiệt hại nặng nề trong vụ cháy năm 2023. Sau vụ cháy, quầy hàng của bà đã được cải tạo sửa chữa lại. Bà đã cho bít ô thoáng thông với quầy kinh doanh, sửa chữa đồ dùng điện tử bên cạnh, nơi được cho là phát sinh cháy trước đó. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc trang bị bình chữa cháy, bà Vân cho biết: “Quầy chưa có bình chữa cháy. Cháy xảy ra là do “xui rủi” thôi. Hàng ngày, trước lúc đóng cửa ra về, tôi đều tắt tất cả nguồn điện. Từ lâu, các quầy hàng cũng không thắp hương, thờ cúng trong quầy nữa”. Không chỉ quầy hàng của bà Nguyễn Thị Bích Vân, hầu hết các tiểu thương bán hàng nơi đây khi được hỏi đều chưa trang bị bình chữa cháy.
 
Theo ông Đinh Bình Quân, hiện chợ Ba Đồn chỉ có 2 hệ thống cảnh báo cháy tự động (với 58 “mắt camera” cảnh báo cháy) được lắp đặt tại khu vực đình chợ mới xây dựng sau vụ cháy năm 2015. Còn 2 đình chợ còn lại đã xây dựng từ hơn 30 năm nay, khó có thể bố trí lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy tự động.

Để phòng, chống cháy, ngoài thực hiện các quy định, đơn vị cũng đã bố trí thêm bình chữa cháy tại các lối ra vào đình chợ để sử dụng khi có sự cố xảy ra. Vừa qua, đơn vị đã có báo cáo về nhu cầu kinh phí mua sắm thêm vật chất, trang bị máy, dụng cụ phục vụ công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ tại chợ, với số tiền gần 3 tỷ đồng trình UBND thị xã xem xét bố trí.

Thượng úy Nguyễn Tấn Sang, Phó đội trưởng Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn khu vực phía Bắc tỉnh Quảng Bình cho biết, phòng cháy là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần ngăn ngừa hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại mỗi khi có cháy nổ xảy ra. Thời điểm mùa nắng nóng, việc chủ động thực hiện các biện pháp PCCC tại chỗ và quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn điện được cho là giải pháp phòng ngừa từ sớm, từ xa. Bởi, thực tế, hầu hết các vụ cháy xảy ra, nguyên nhân chính là do nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân đối với công tác PCCC chưa cao. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm và ý thức tự giác của nhân dân trong công tác PCCC; nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa không để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố và kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra là việc làm thường xuyên và liên tục.
 
Cuối tháng 3/2024, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn (Công an tỉnh) đã phối hợp thực tập phương án chữa cháy năm 2024 cho tiểu thương chợ Ba Đồn. Mục đích của việc tổ chức thực tập, nhằm bồi dưỡng, nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy chữa cháy khi có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; kiểm tra, đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu và công tác phối hợp tác chiến giữa các lực lượng tham gia chữa cháy trong việc xử lý các tình huống cháy, nổ, nhằm tạo thế chủ động trước mọi tình huống, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhà nước và nhân dân do cháy gây ra. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác cho tiểu thương tích cực phòng ngừa không để cháy nổ xảy ra, đồng thời khi có cháy nổ xảy ra thì tổ chức dập tắt kịp thời, không để cháy lan, cháy lớn.
D.C.H

tin liên quan

Quảng Ninh: Huy động lực lượng khoảng 500 người tham gia chữa cháy rừng

(QBĐT) - Ngày 30/4, thông tin từ UBND huyện Quảng Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, vụ cháy rừng tại xã Hải Ninh đã cơ bản được khống chế. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 4-5ha rừng trồng bị ảnh hưởng bởi vụ cháy.
 

Quý I/2024, thu gần 600 triệu đồng bảo hiểm xã hội

(QBĐT) - Trong quý I/2024, toàn tỉnh thu được 590.519 triệu đồng BHXH, đạt 22,9% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, cao hơn 66.923 triệu đồng, tương ứng tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 1,9% so với kế hoạch thu quý I/2024 (21%). 

Quảng Ninh: Cháy rừng phòng hộ ven biển ở Hải Ninh

(QBĐT) - Chiều 29/4, ông Hoàng Minh Lễ, Bí thư Đảng ủy xã Hải Ninh (Quảng Ninh) cho biết, trên địa bàn xã xảy ra một vụ cháy rừng nghiêm trọng tại thôn Tân Định.