Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Nhà xưa" bên mái Hoành Sơn

  • 13:13 | Thứ Năm, 02/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Bên mái Hoành Sơn thuộc các xã Quảng Hợp, Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Phú, Quảng Đông (Quảng Trạch) bây giờ không hiếm những căn nhà cao tầng khang trang, hiện đại. Vậy nhưng, về các làng quê đó, không khó để bắt gặp những nếp “nhà xưa” được xây dựng theo lối kiến trúc xưa cũ, có tuổi đời 50-60 năm. Tìm đến những ngôi nhà này, chúng ta như lạc vào không gian của những ngày tháng xưa cũ.
 
Vững chãi cùng thời gian
 
Dãy Hoành Sơn như bức trường thành hùng vĩ bao trọn vùng đất các xã phía Bắc huyện Quảng Trạch. Cùng với đó, dòng sông Loan thơ mộng chảy qua trước mặt tạo cho vùng này thế đất “lưng tựa núi, mặt hướng ra sông” với phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Dựa theo thế đất đó, bao thế hệ người dân nơi đây đã dựng nhà, lập làng “an cư lạc nghiệp”, trải qua hàng trăm năm. Trải qua bao sự biến thiên của thời gian, ngày nay, bên trong những ngôi làng dưới mái Hoành Sơn, xen lẫn những ngôi nhà cao tầng khang trang, kiên cố, vẫn tồn tại hàng trăm ngôi “nhà xưa” có tuổi đời từ 50-60 năm tuổi, vững chãi với thời gian.
 
Bên ấm chè xanh, ông Tạ Tấn Nhờ (71 tuổi, ở thôn 3, xã Quảng Kim)-chủ nhân của một ngôi “nhà xưa”-cho biết: “Ngôi nhà của gia đình tôi được bố mẹ xây dựng vào khoảng những năm 1970. Thời điểm đó tôi đang đi bộ đội, khi xuất ngũ trở về thì thấy ngôi nhà đã được dựng xong. Khi bố mẹ qua đời đã để lại ngôi nhà cho tôi và gia đình tôi đã sống ở đây từ đó đến nay”.
Ngôi nhà của bà Đàm Thị Ninh (81 tuổi) ở thôn Hùng Sơn (Quảng Kim) đã được xây dựng đã trên 60 năm.
Ngôi nhà của bà Đàm Thị Ninh (81 tuổi) ở thôn Hùng Sơn (Quảng Kim) đã được xây dựng đã trên 60 năm.
Theo ông Nhờ, cũng giống như những ngôi “nhà xưa” trong vùng, bộ khung (hệ thống cột kèo, xà, đòn tay, rui, mèn…) của ngôi nhà ông đang ở được làm bằng gỗ, móng và tường nhà được xây bằng đá, tất cả đều được khai thác trên dãy Hoành Sơn. Riêng vữa để xây nhà được làm từ vôi hàu mua ở làng biển Cảnh Dương lên.
 
Để dựng được những ngôi nhà như vậy, người dân sống bên mái Hoành Sơn phải vất vả lên rừng đốn gỗ, đào đá và tích lũy hàng năm trời. Cùng với sự giúp sức của họ hàng, làng xóm và bàn tay khéo léo, tài hoa của những người thợ lành nghề, những ngôi nhà này được xây dựng hàng tháng trời mới hoàn thành.
 
“Dù không hiện đại như nhà ở bây giờ, nhưng nhờ được làm bằng gỗ tốt trên dãy Hoành Sơn và tường nhà được xây rất dày nên ngôi nhà rất chắc chắn. Trải qua không biết bao nhiêu mùa mưa bão nhưng ngôi nhà vẫn vững chãi cùng thời gian. Đặc biệt, tuy hơi thấp nhưng ngôi nhà này, về mùa hè thì mát mẻ, mùa đông ấm cúng. Mỗi lần đi làm về, chỉ cần bước vào nhà là tôi cảm thấy tinh thần khoan khoái, bao mệt nhọc ngoài đồng dường như tan biến hết”, ông Nhờ chia sẻ.
 
Nơi lưu giữ “hồn quê”
 
Giữa cuộc sống hiện đại và tác động của đô thị hóa, thế hệ trẻ ở các làng quê bên mái Hoành Sơn cũng đã dần quen với lối sống trong những ngôi nhà xây mới, hiện đại, khang trang. Nhưng ở những làng quê ấy, vẫn có những con người, đặc biệt là những người lớn tuổi lại thích sống trong những nếp “nhà xưa”.
 
Bởi theo họ, những nếp “nhà xưa” đó là nơi mang đậm ký ức tuổi thơ đầy hoài niệm, là nơi lưu giữ hồn quê để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội, công đức của ông cha. Không ít người, khi đến thăm những ngôi “nhà xưa” đó, họ đều có cảm giác như lạc vào không gian của ngày tháng xưa cũ, bình yên mà ai ai cũng muốn tìm về.
 
Theo sách Địa chí xã Quảng Kim, cũng giống như các làng xã khác ở Quảng Bình, “nhà xưa” của vùng Hoành Sơn được người dân xây dựng theo 3 kiểu chính là nhà trếnh, nhà bang và nhà chữ đinh. Nhà trếnh hay còn được gọi là nhà rường, thường có 2 loại (5 gian và 3 gian).
Nhà bang còn được gọi là nhà tiền khách hậu chủ. Về cơ bản nhà bang có kết cấu gần giống nhà trếnh. Điểm khác giữa nhà bang với nhà trếnh là nhà bang giảm bớt hàng cột mệ (cột cái) phía trước; đồng thời thay trếnh bằng một cái băng cụt nối từ cột mệ sau tới cột con phía trước. Ở trên bang tại vị trí cột mệ trước là một cột đội chống nối từ kèo đến bang cụt.
Nhà chữ đinh có nhiều kết cấu khác nhau như nhà một gian hai chái, hai gian, ba gian. Sỡ dĩ kết cấu đơn giản vì người ta quan niệm đây chỉ là ngôi nhà phụ, thường là nhà bếp hoặc nhà ở của những gia đình còn thiếu thốn. Nhà chữ đinh không chú ý nhiều đến gỗ, tuy nhiên riêng cột mệ được ưu tiên thường là gỗ lim hoặc táu để làm trụ cho cả nhà.
Ở thôn 4, cụ Từ Thị Út (80 tuổi) sinh sống một mình trong ngôi “nhà xưa” được dựng nên từ năm 1967, mặc dù cụ có đến 7 người con cả trai lẫn gái và ai cũng có nhà cửa khang trang. Gần 60 năm, ngôi nhà vẫn được cụ Út giữ gìn nguyên vẹn. Mọi chi tiết trong nhà dường như không thay đổi, những vật dụng như chiếc sập đựng thóc, tủ ly, bàn ghế, kệ bếp đều có tuổi đời lên đến nửa thế kỷ và vẫn được sử dụng tốt. Trong vườn, cụ Út trồng các hoa màu như lạc, ngô và dựng hàng rào tre xung quanh như tô điểm thêm cho vẻ đẹp dung dị của ngôi nhà. Đặc biệt, bên hiên nhà còn có một cái giếng nước trong vắt được xây bằng đá có tuổi đời xấp xỉ “tuổi” ngôi nhà.
 
Cụ Út tâm sự: “Thấy tôi cứ sống mãi trong ngôi nhà cũ xuống cấp, các con đã nhiều lần đề xuất việc phá dỡ để xây mới nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Bởi lẽ, ngôi nhà này là tài sản quý giá nhất mà 2 vợ chồng cùng tích cóp nhiều năm mới xây được. Ngôi nhà là nơi 2 vợ chồng cùng chứng kiến các con lớn lên, trưởng thành. Bây giờ chồng tôi mất rồi, tôi muốn thờ ông ấy trong ngôi nhà này. Tôi cũng căn dặn các con, sau khi tôi mất đi thì không được bán hay tháo dỡ căn nhà mà dùng làm nhà từ đường hoặc đơn giản là nơi gặp gỡ, đi về của anh em, con cháu”.  
 
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Kim Nguyễn Đức Hùng, trên địa bàn xã và các xã trong vùng, hiện không ít trường hợp những người lớn tuổi thích sống một mình trong những nếp “nhà xưa” như cụ Út. Như ở thôn Hùng Sơn cũng có trường hợp cụ Đàm Thị Ninh (81 tuổi) có 4 người con đều ở xung quanh và đều có nhà cửa khang trang nhưng các con thuyết phục mãi mà cụ vẫn không chịu rời ngôi “nhà xưa” của mình. Cụ chỉ đến ở nhà các con mỗi khi có mưa to, bão lớn, cảm thấy không an toàn.
 
Cũng theo ông Hùng, giữa những áp lực của bộn bề cuộc sống hiện đại, đầy rẫy những điểm nhìn, lối suy nghĩ thực dụng, việc có những người như cụ Út, cụ Ninh vẫn thích sống trong những nếp “nhà xưa” như thế thật đáng quý, đáng trân trọng. Cũng nhờ vậy mà những ngôi “nhà xưa” bên mái Hoành Sơn vẫn bền bỉ, vững chãi cùng thời gian, là nơi lưu giữ “hồn quê” và các giá trị văn hóa quý giá của quê hương, đất nước.
Phan Phương

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình 2024: Sáng tạo và bùng nổ

(QBĐT) - Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.

Nặng sâu nghĩa tình đồng đội

(QBĐT) - Vì nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp hội, đồng đội và người dân ghi lòng.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.