Linh thiêng hai tiếng "hòa bình"

  • 08:40 | Thứ Ba, 30/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hòa bình là ước vọng của toàn nhân loại thế nhưng chiến tranh vẫn đeo bám ở đâu đó trên trái đất này. Tôi nghĩ rằng, hãy nhìn vào đôi mắt các bà mẹ chúng ta sẽ đo lường được chỉ số hạnh phúc.
 
Có sự mất mát nào lớn hơn nỗi buồn chiến tranh để lại. Đại tá quân đội Nguyễn Hữu Quý đã phải thốt lên: “Chẳng lựa chọn nào đúng hơn, hãy dừng ngay cuộc chiến tranh/và dập tắt các mưu toan đổ dầu vào lửa/đừng để ai đổ thêm máu nữa/chẳng gì tốt đẹp hơn khi trái đất hòa bình!”.
 
Khi tôi còn nhỏ, cạnh nhà có cụ bà Nguyễn Thị Phong có con hy sinh ở chiến trường Nam Bộ. Ngày nào cũng thế, bà thơ thẩn đi ra, đi vào cửa ngõ hỏi mọi người một câu: Chộ thằng Sáu con tui về chưa? Rồi bà đi tìm con từ nhà này sang nhà khác. Ai cũng động viên, an ủi nhưng bà tin rằng chú Sáu còn sống và sẽ về nhà lấy vợ. Chiều đến, bà ngồi trước hiên nhà vách đất, hai đầu gối nhô cao quá đầu, bà lẩm bẩm một mình như bức tượng. Ba tôi bảo, làng Mỹ Lộc nhà nào cũng có liệt sỹ, bố bà Phong là liệt sỹ thời chống Pháp, con là liệt sỹ thời chống Mỹ. Tất cả do chiến tranh gây ra.
 
Ngày ấy, tôi nào hiểu chiến tranh, mất mát là gì, nhưng tôi cảm nhận được nỗi buồn bất tận của những bà mẹ trong làng mình. Tôi còn nhớ, bà nội tôi cất lên tiếng hò mỗi tối: “Mây ám trăng lờ gió đưa đèn tắt/Thương mẹ già nước mắt rưng rưng/Hỏi anh đá nặng mấy tầng/Anh nói ra cho em rõ kẻo em ngập ngừng khó toan”. Hò xong, nội tôi phe phẩy chiếc quạt trên chiếc giường tre nhớ về các con của mình. Các o, các bác tôi đã mất trong bom đạn chiến tranh. Nội tôi tám lần sinh nở nhưng chỉ còn lại ba tôi gắn bó với bà đến tận những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời...
1Minh họa: Minh Quý
Thời học trung học cơ sở, tôi may mắn được dự Đại hội cháu ngoan Bác Hồ huyện Lệ Thủy. Tôi vinh dự cùng đoàn đi viếng Nghĩa trang xã Mai Thủy. Trong tiếng trống ếch rộn ràng, chúng tôi nghe được bước chân rầm rập của các anh bộ đội. Trong khói nhang linh thiêng, tôi như nhìn thấy từng đoàn quân hào hùng, sôi nổi ra trận. Các anh, chị còn trẻ lắm, nhiều người chúng ta biết tên, nhiều người trên hàng bia mộ còn ghi chữ “Liệt sỹ vô danh”. Khi đến các nghĩa trang, thành kính đứng viếng các anh hùng liệt sỹ, tôi mới hiểu hết giá trị của tự do, độc lập và ý nghĩa vĩ đại của hai chữ “hòa bình”.
 
Đến bây giờ, năm nào cũng thế, vào ngày 30/4 tôi đều đi viếng nghĩa trang ở quê nhà. Tôi đứng lặng rất lâu trước những hàng bia mộ thẳng tắp. Ở Nghĩa trang xã Mai Thủy có những liệt sỹ đến từ Nam Hà, Thanh Hóa, Hà Nội, Hòa Bình… Các liệt sỹ ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. Trong họ, nhiều người từng là giáo viên, họa sĩ, công nhân và nhiều rất nhiều người là sinh viên chưa rời giảng đường đại học. Họ là những chàng trai, cô gái căng tràn nhựa sống tuổi đôi mươi, từng có bao nhiêu hoài bão, lý tưởng của tuổi trẻ. Các anh, chị nằm quây quần bên nhau trong tình đồng đội, đồng hương chắc hẳn cũng cảm thấy ấm lòng như được nằm giữa lòng đất quê nhà. 
 
Khi tìm hiểu về cuộc chiến tại Bang Rợn, xã Kim Thủy (Lệ Thủy), chúng tôi tìm đến ông Lê Ngọc Viếng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Ninh để nắm bắt thông tin. Ông chỉ lên thung lũng bạt ngàn màu xanh cho biết: Dưới cánh rừng kia, mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu của các thanh niên xung phong, dưới cỏ chắc còn di hài các liệt sỹ. Vào ngày 1/5/1970, máy bay Mỹ đã bắn phá vào tổng kho lương thực và vũ khí của ta. Rất nhiều anh, chị thanh niên xung phong từ miền Bắc vừa vào hội quân đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ.
 
Từ những hiểu biết chiến tranh qua trang sách học trò và thực tế bắt gặp, chúng tôi càng hiểu rõ về những năm tháng hào hùng nhưng đầy bi thương của dân tộc. Chưa bao giờ khát vọng hòa bình lại vang lên một cách linh thiêng, ý nghĩa như thế. Nói như nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, hòa bình là một sự thật có danh tính và chúng ta nhất quyết bảo vệ: “Đất nước tôi có rất nhiều ngôi mộ chiến tranh/những linh hồn lang thang qua các mùa thu lá rụng/nước mắt dòng sông, giấc mơ khói súng/giật mình vành trăng khuya”.
 
Chiến tranh đã đi gần nửa thế kỷ, thế hệ chúng tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình và bước vào giai đoạn đổi mới. Không còn cảnh bom nổ, đạn rơi, không còn những chiến trường khốc liệt, không còn hình ảnh lớp lớp học sinh đội mũ rơm đi học trong các căn hầm ẩm thấp. 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đủ để chúng tôi cảm nhận được bao nhọc nhằn trong đôi mắt các bà mẹ Việt Nam và càng yêu hơn, trân trọng hơn hai tiếng “hòa bình” linh thiêng mà biết bao thế hệ cha anh đã giành được.
 
Ngô Mậu Tình

tin liên quan

Quê nhà

(QBĐT) - Nơi tôi sinh làng xưa nhiều mái rạ
Đạn bom thù quyết xóa sạch xóm thôn
Bài học đầu yêu gia đình, đất nước
Đi đến trường phải nhớ đội mũ rơm

Quảng Bình giành giải cao tại hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc

(QBĐT) - Tối 27/4, tại TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương), Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức lễ trao giải hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn.

Giọt nắng tháng tư

(QBĐT) - Giọt nắng ửng lên rồi
Sắc hồng trên cánh phượng
Mắt long lanh chợt nhuốm
Gió hoang đàng lên môi