Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khúc vọng Điện Biên

  • 05:31 | Chủ Nhật, 05/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng năm, hàng hoa ban nơi góc phố kề bên cửa biển Nhật Lệ rạo rực nở. Kể cũng lạ, cái loài cây từ miền Tây Bắc xa lắc về đây ngụ cư năm, bảy năm nay, nắng gió Quảng Bình quăng quật cho xù xì thế, mưa bão Quảng Bình xoắn vặn cho gân guốc thế vẫn không quên tập quán quê cũ, bất chấp tất cả, nở rất đúng mùa. Mỗi ngày tôi thường đi qua góc phố ấy, thấy hoa là tự nhiên nghĩ về một nơi chẳng phải quê hương mình nhưng đã viết vào lịch sử đất nước những trang ký ức đẹp đẽ. Hoa ban nở gợi nhớ mùa thắng trận Điện Biên. Nơi ấy, 70 năm trước diễn ra một chiến thắng “chấn động địa cầu”: “Kháng chiến ba nghìn ngày/Không đêm nào vui bằng đêm nay/Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực/Trên đất nước, như Huân chương trên ngực/Dân tộc ta dân tộc anh hùng!”.
 
Việt Nam-Đất nước của lớp lớp vỉa tầng ký ức chiến tranh trận mạc, bi tráng và hào hùng. Ký ức ấy không chỉ được viết trong những cuốn sách lịch sử xếp lặng im trên giá, mà ghi rất sâu, đọng rất lâu trong tâm khảm của nhân dân. Ký ức sống mãi, “di truyền” từ thế hệ này sang thế hệ khác, không hề lạt phai, mờ bụi bởi thời gian. Ký ức chung của người Việt Nam nồng nàn mang tên: Yêu Nước! Tôi được sinh ra trong chiến tranh nhưng lớn lên khi đất nước hòa bình. Tôi chỉ biết đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ những trang sách lịch sử, từ ký ức của ông bà, cha mẹ trao truyền lại, nhưng tôi tự hào về Chiến thắng Điện Biên Phủ mỗi khi được nhắc nhớ đến. Đó là cảm xúc chung của mỗi người Việt Nam yêu nước.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh…”. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại của thực dân Pháp trên chiến trường Đông Dương, mà Điện Biên Phủ là phát nổ ngàn cân chấm dứt ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp. Chiến thắng Điện Biên Phủ dồn quân đội Pháp từ bất ngờ, ngỡ ngàng đến hoảng loạn, bàng hoàng “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?!” với bao nhiêu câu hỏi: Vì sao? Vì sao? Vì sao một quân đội non trẻ thành lập chỉ chưa đến 10 năm đã đánh thắng một lực lượng viễn chinh tinh nhuệ được trang bị vũ khí, phương tiện tối tân, hiện đại? Vì sao những người lính Việt Nam bé nhỏ mũ nan, dép lốp, tay trần lại kéo được những khẩu pháo khổng lồ vượt núi cao, vực sâu vào trận địa? Vì sao lại có những con người bình dị, hiền lành mà anh dũng đến thế: Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng, Phan Đình Giót lấy thân lấp lỗ châu mai, Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo?! Vì sao nhân dân Việt Nam áo vải, chân đất với những chiếc xe đạp thồ thô sơ lại lập nên những kỳ tích vận tải như là huyền thoại? 
Hầm Đờ Cát.
Hầm Đờ Cát.
Tất cả đồng quan điểm cho rằng, Điện Biên Phủ là thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Một viên đại tá quân đội Pháp đã rất sòng phẳng và khách quan khi nói về thất bại đắng cay của mình trên chiến trường Điện Biên Phủ, dù hơi dài nhưng tôi cũng xin trích ra đây bởi nó ấn tượng và thực tế: “Chúng ta thua trận này nguồn gốc do đâu? Trước hết là do phẩm chất của những con người đã đương đầu với chúng ta... Hỏi xem có được mấy vị tư lệnh binh đoàn, sư đoàn và trung đoàn của quân đội ta biết chịu đựng cùng binh sĩ, cũng sống như họ, chịu đi bộ, lặng lẽ, không ầm ĩ nhưng rất đáng sợ như đối phương của ta đang ở quanh ta?”, “Các viên tướng của họ chẳng có gì khác những người lính trơn, nếu không phải ở tuổi tác và ở những ngôi sao đính trên ve áo. Quần áo cũng cùng một thứ vải xoàng như nhau, cùng một loại giày, một loại mũ nút chai như nhau và các vị đại tá của họ, hành quân cũng chỉ bằng những đôi chân như người lính bộ binh. Mọi người sống bằng khẩu phần gạo mang theo mình, bằng các thứ củ đào được đây đó trong rừng, bằng những con cá câu được ở lòng suối, ở những nơi họ vừa lấy nước uống. Họ chẳng có những cô thư ký xinh đẹp, chẳng có những khẩu phần đặc biệt, chẳng có ô tô, cũng chẳng có những lá cờ phần phật trước gió. Nhưng, lạy Chúa, thắng lợi thuộc về họ!”.
 
Viên đại tá Pháp ấy có biết chăng, chiến sĩ Điện Biên không khoác lên mình quân phục oai phong nhưng có ngọn lửa yêu nước nồng nàn cháy sáng trong trái tim, không trang bị vũ khí hiện đại nhưng có tinh thần chính nghĩa truyền thống ngàn đời của dân tộc “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo” nung nấu trong ý chí quyết tâm của họ. Thế mới có ngày 7/5/1954 với hình ảnh lá cờ “Quyết chiến-Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam kiêu hùng tung bay trên nóc hầm Đờ-cát-tơ-ri, làm bừng sáng bầu trời Điện Biên đang mịt mù khói lửa, xác thực thời khắc đi vào lịch sử nhân loại-Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 7/5/1954, tinh thần “Việt Nam-Hồ Chí Minh-Điện Biên Phủ” vang lên khắp toàn cầu, ngân rung đến hôm nay và hồi vọng mãi mãi muôn năm sau.
 
Những tháng ngày này, tinh thần Điện Biên Phủ năm xưa đang bùng dậy trên khắp cõi non sông nước Việt mến yêu. Kiêu hãnh tự hào và sâu nặng nghĩa ơn. Náo nức rộn ràng và rưng rưng hoài nhớ. 70 năm trước, quê hương Quảng Bình vất vả, gian lao cũng đã dốc toàn lực hướng về Điện Biên với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Góp mặt vào đội hình trùng trùng, điệp điệp hàng chục nghìn chiến sĩ tham gia chiến đấu, hàng trăm nghìn dân công, thanh niên phục vụ chiến trường, Quảng Bình có hàng vạn người dân trẻ già, trai gái xung phong vào chiến dịch. Nhiều gia đình ba thế hệ cùng ra trận. Nhiều thanh niên sẵn sàng gác việc học hành để lên đường chiến đấu. Nhiều cô gái mười tám, đôi mươi tay mềm chân yếu cũng hồ hởi trèo đèo, lội suối góp mặt trong binh chủng vận tải đặc biệt nhất trên toàn thế giới “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Nhiều chiến sĩ, thanh niên, dân công Quảng Bình đã anh dũng tan hòa thanh xuân vào sông núi, trời mây miền Tây Bắc hay gửi lại Điện Biên một phần cơ thể để “…Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…”.
 
Chiến tranh đã tàn. Miền Tây Bắc trở về với vẻ đẹp bình dị thân thương của những con người làm nên huyền thoại, vẻ đẹp ban sơ thơ mộng của rừng, của suối, của loài hoa ban rạng rỡ trinh nguyên. Tháng năm này, ở quê hương Quảng Bình hoa ban cũng đang nở rộ, chứng kiến những dòng người khắp nơi trên cả nước đang lặng lẽ đến để trở về, kính cẩn thắp lên nấm mồ cỏ xanh bình dị, khiêm nhường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nơi Vũng Chùa-một nén hương lòng thành kính biết ơn, ngước nhìn lên bầu trời cao vời vợi và hình dung trong tầng tầng vầng mây trắng những gương mặt, hình hài thanh xuân từng chiến đấu dưới sự chỉ huy tài tình, mưu lược của Đại tướng và gửi lên đó một niềm nhớ tưởng, một lời tri ân sâu nặng. Đến với Đại tướng cũng là đang về với Điện Biên!  
 
 “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp!/Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp!/Vinh quang Tổ quốc chúng ta/Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa/Vinh quang Hồ Chí Minh, Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi/Quyết chiến quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại”. Chiến thắng Điện Biên Phủ là biểu tượng vời vợi của khát vọng tự do, là điểm tựa sừng sững của niềm tin chính nghĩa, là nhân danh lộng lẫy của tình yêu đất nước.
Tôi tự hào và tôi biết ơn! 
Tùy bút của Trương Thu Hiền
 
* Trong bài viết có sử dụng bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu, sáng tác tháng 5/1954.

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình 2024: Sáng tạo và bùng nổ

(QBĐT) - Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.

Nặng sâu nghĩa tình đồng đội

(QBĐT) - Vì nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp hội, đồng đội và người dân ghi lòng.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.