Chị ơi nay ấm no rồi…

  • 09:25 | Thứ Tư, 01/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Mùa khô năm 1965, đơn vị tôi hành quân vào chiến trường miền Nam. Bắt đầu từ Nghệ An, tất cả xuống ô tô đi bộ. Cứ men theo đường mòn dưới chân dãy Trường Sơn, đêm đi ngày nghỉ; trên vai mỗi anh lính chúng tôi ngoài vũ khí, tư trang, còn thêm dăm cân gạo đi đường vì điều kiện hành quân phải tổ chức bếp ăn theo tiểu đội.
 
Hôm ấy, chúng tôi dừng chân tại một ngôi làng cạnh quốc lộ dã chiến 15A, thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tiểu đội tôi được bố trí nghỉ trong một gia đình có hai ông bà già và một cô con dâu ngoài hai mươi tuổi. Chồng chị vừa “đi Bê” hồi đầu năm và họ sắp có con đầu lòng…
 
Suốt đêm hành quân vất vả, ăn vội bữa sáng xong là chúng tôi lăn ra ngủ mê mệt. Gần trưa, ánh nắng chói chang lọt qua mái tranh lỗ chỗ những vết thủng, rọi vào mặt khiến tôi thức giấc. Thức nhưng vẫn nằm im sợ ảnh hưởng giấc ngủ của anh em. Bỗng có tiếng sột soạt phía dãy ba lô, tôi đánh mắt sang và nhận ra chị chủ nhà đang rón rén xúc gạo trong những chiếc bao ruột tượng của chúng tôi.
 
Cứ mỗi bao chị xúc đúng một ống bơ. Xúc xong, chị buộc lại miệng bao rất cẩn thận rồi lẹ làng mở tiếp bao khác. Chị vừa làm vừa lấm lét quan sát xung quanh. Bỗng ánh mắt chị bắt gặp cái nhìn he hé của tôi. Thoáng sượng sùng, chị dừng tay, mặt tái mét rồi ù chạy ra ngõ…
 
Tôi lặng lặng thu dọn “tang vật” và coi như không có chuyện gì xảy ra. Trưa hôm ấy, hai ông bà già cứ cằn nhằn cô con dâu: “Đi mô trưa trật không về mà ăn cơm”. Xế chiều, vẫn không thấy chị về. Không ai biết vì sao. Chỉ mình tôi là bồn chồn lo lắng: Nhỡ chị chạy vào rừng trốn biệt thì sao? Bụng mang dạ chửa thế kia mà… Còn hơn hai giờ nữa sẽ hành quân, tôi quyết định kể sự tình với tiểu đội trưởng và xin thêm hai đồng chí cùng tôi đi tìm chị.
 
Chúng tôi đạp rừng, lội suối, cắt phương vị để xác định “mục tiêu” theo đúng bài bản của lính trinh sát. Cuối cùng, tôi bắt gặp chị đang ngồi bên một gốc cây dẻ cạnh con suối. Chừng như đã kiệt sức không chạy được nữa, chị quỳ sụp trước mặt tôi, nước mắt giàn giụa:
 
- Xin cắn rơm, cắn cỏ lạy các anh, tháng sau tôi sinh con mà nhà không còn hột gạo. Tôi chỉ xin mỗi anh một nắm nấu cháo cho cháu…
 
Nước mắt tôi chực ứa ra. Tôi đỡ chị đứng lên:
 
-  Chị ơi, tôi hiểu rồi! Bố cháu cũng là bộ đội, coi như chúng tôi bớt phần cho cháu. Tôi xin thề không ai biết việc này đâu!
 
Nghe vậy, chị mới yên tâm trở về nhà, cũng vừa lúc chúng tôi được lệnh lên đường. Cuộc chiến khốc liệt kéo chúng tôi vào tận miền Đông Nam bộ cho đến ngày toàn thắng. Sau năm 1975, chúng tôi hành quân ra miền Bắc bằng ô tô nên không có dịp ghé vào ngôi làng năm xưa thăm lại ông bà già và cô con dâu.
 
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, cuộc sống của chị bây giờ thế nào? Cháu bé là trai hay gái và nay làm gì? Sau chiến tranh bố cháu có may mắn được trở về không? Chị ơi, bây giờ cuộc sống đã no ấm rồi, tôi rất mong được gặp lại chị để nói lời tạ lỗi, bởi tôi đã không giữ được lời hứa sẽ giấu kín câu chuyện. Giữa chiến trường ác liệt, tôi đã nhiều lần kể cho đồng đội, để hiểu thêm sự hy sinh vô bờ bến của những người vợ, người mẹ như chị trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
Mai Nam Thắng
(Theo lời kể của Thiếu tướng Trịnh Thanh Vân, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Thủ Đô)

tin liên quan

Minh triết con đường!

(QBĐT) - Đất nước tôi: 
Chiếc đòn gánh Trường Sơn
Oằn vai gánh hai đầu hai vựa thóc
Đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ
Nôi văn minh lúa nước bao đời.

Linh thiêng hai tiếng "hòa bình"

(QBĐT) - Hòa bình là ước vọng của toàn nhân loại thế nhưng chiến tranh vẫn đeo bám ở đâu đó trên trái đất này. 

Quê nhà

(QBĐT) - Nơi tôi sinh làng xưa nhiều mái rạ
Đạn bom thù quyết xóa sạch xóm thôn
Bài học đầu yêu gia đình, đất nước
Đi đến trường phải nhớ đội mũ rơm