Văn, Võ Điện Biên...

  • 05:27 | Chủ Nhật, 05/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử kháng chiến cứu nước của dân tộc Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt địch lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam từ khi ra đời đến thời điểm đó. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và can thiệp Mỹ, tạo điều kiện đi đến quyết định ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 21/7/1954, chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.
 
Tròn 7 thập niên đã trôi qua (7/5/1954-7/5/2024), Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất, sáng tạo; là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và hòa bình, hạnh phúc. Yếu tố quyết định Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; đặc biệt là vai trò, trí tuệ và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Bác Hồ.
 
Cuối năm 1953, căn cứ vào thực tế chiến trường, Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 1/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị cử làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Trưởng đoàn cố vấn nước bạn lên đường ra mặt trận, với phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” đã được Đảng ủy mặt trận và các cố vấn quân sự thông qua. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu thực địa, nắm chắc tình hình, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Trung ương và sự nhạy bén của một Tổng tư lệnh, Đại tướng thấy rõ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm và tự xác định trách nhiệm phải thay đổi cách đánh, thay đổi phương châm tác chiến của chiến dịch. Đây là một quyết định táo bạo và hết sức khó khăn, bởi không chỉ trái với ý kiến của tập thể Đảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch và cố vấn quân sự, mà còn ảnh hưởng đến tư tưởng bộ đội sau nhiều ngày gian khổ kéo pháo vào trận địa và chuẩn bị chiến trường...  
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm di tích hầm De Castries trong lần cuối cùng lên Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Ảnh: Trần Hồng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm di tích hầm Đờ-cát-tơ-ri trong lần cuối cùng lên Điện Biên Phủ, tháng 4/2004. Ảnh: Trần Hồng
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng đã nhấn mạnh “phải chắc thắng mới đánh”. Nhưng Người cũng đề ra yêu cầu phải giữ gìn sự thống nhất trong chỉ huy: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn, cứ quyết định rồi báo cáo sau”. Sau nhiều ngày đêm suy tính, cân nhắc mọi mặt, Đại tướng đi đến một quyết đoán táo bạo là phải kiên quyết thay đổi ngay cách đánh, phải chuyển từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Vấn đề là làm sao để thực hiện được quyết đoán đó trên cơ sở tranh thủ được sự đồng tình của cố vấn quân sự và thuyết phục được Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch. Sau này, trong hồi ký của mình, Đại tướng đã thừa nhận “đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”.
 
Và Đại tướng đã thực hiện được “quyết định khó khăn nhất” một cách tài tình. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, khẳng định: “Đây không phải là sự thay đổi áp đặt từ trên xuống bằng mệnh lệnh, cũng không phải sự tranh cãi trên lý lẽ mà là sự kiên nhẫn chờ đợi để hội đủ các căn cứ thực tế, đủ sức thuyết phục mọi người, tạo nên sự thay đổi về nhận thức, sự nhất trí tự nguyện trên một chủ trương mới. Đấy là một quyết đoán táo bạo, kịp thời, đúng lúc, biểu thị tài thao lược kiệt xuất, bản lĩnh và năng lực tổ chức tuyệt vời của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp”
 
Chiến dịch Điện Biên Phủ là “điểm đến” tất yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954), được hình thành dần trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Đây là chiến dịch mà cả 2 bên tham chiến đều chấp nhận và ra sức chuẩn bị, quyết tâm giành thắng lợi. Trong tình hình đó, sự bí mật, bất ngờ của điểm quyết chiến không còn nữa. Thắng hay bại của chiến dịch chủ yếu tùy thuộc vào binh lực và cách sử dụng binh lực mỗi bên. Cùng với đó là tinh thần chiến đấu của Quân đội, tư tưởng và nghệ thuật chỉ đạo chiến dịch, trong đó phương châm tác chiến giữ vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ được toàn dân, toàn quân ta tin tưởng, kính yêu mà còn được bạn bè trên thế giới, kể cả những người từng là đối thủ của ông, khâm phục và ngưỡng mộ. Họ gọi ông là một trong những vị thống soái xuất sắc của mọi thời đại; là thiên tài quân sự lớn nhất thế kỷ 20; là vị tướng huyền thoại...
 
Sinh thời Đại tướng, tôi may mắn nhiều lần được gặp và hỏi chuyện ông. Mỗi lần được gặp Đại tướng là một kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi về những ứng xử bặt thiệp của một nhà văn hóa lớn. Mùa thu năm 2003, tôi theo đoàn đại biểu Hội đồng hương Quảng Bình đến mừng sinh nhật lần thứ 93 của Đại tướng. Khi nghe mọi người chúc Đại tướng thượng thọ trăm tuổi, ông nói vui: “Cứ chúc cho tôi mạnh khỏe để lên Điện Biên tham dự kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là mừng lắm rồi”. Thật may mắn,  mùa hè năm sau, Đại tướng đã cùng phu nhân và một số tướng lĩnh là đồng đội thời kháng chiến chống Pháp lên thăm lại chiến trường xưa, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004). Tôi cũng có mặt tại Điện Biên trong thời gian ấy và được chứng kiến những tình cảm vô bờ bến của quân và dân ta đối với Đại tướng. Có thể gọi là một trận “bão người” với những tiếng reo hò như triều dâng, thác đổ khi trực thăng chở Đại tướng hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh chiều 17/4/2004.
 
Hình ảnh đó hôm sau lại tái diễn ở Mường Phăng, khi Đại tướng về thăm Sở chỉ huy Mặt trận Điện Biên Phủ. Tại cuộc gặp gỡ với hơn 300 cựu chiến binh tỉnh Điện Biên và Cao Bằng, cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và lực lượng vũ trang tỉnh Điện Biên sáng 20/4/2004 tại Trung tâm Hội nghị-Văn hóa tỉnh, Đại tướng xúc động nói: “Gặp lại nhau đây sau 50 năm là quý lắm rồi...”. Những lời gan ruột của người anh Cả Võ Nguyên Giáp khiến nhiều cựu chiến binh đưa bàn tay già nua run run chùi lên khóe mắt. Một đời trận mạc họ chưa bao giờ rơi lệ, ngay cả khi đã bắn hết viên đạn cuối cùng mà quân thù vẫn tràn lên từ bốn phía...
 
Nhiều học giả nước ngoài dành công sức nghiên cứu vì sao một dân tộc thuộc địa bé nhỏ, tiểu nông, lạc hậu... lại có được một vị tướng tầm cỡ vĩ đại như thế? Thiển nghĩ, nếu hiểu thấu đáo và trọn vẹn hai chữ “Anh Văn” mà đồng bào, đồng chí cả nước trìu mến gọi vị Đại tướng của mình, thì các học giả sẽ lý giải được phần nào những câu hỏi trên. Tinh thần yêu nước quật cường và truyền thống văn hiến Việt Nam đã hun đúc nên một vị tướng họ Võ tên Văn. Vị tướng ấy thành công là nhờ phong trào cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, đặc biệt nhờ mối quan hệ từ rất sớm và lâu dài với lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Người tin cậy giao phó trọng trách và trở thành một trong những học trò xuất sắc của Người.
 
Vươn lên tầm cao huyền thoại thế giới là bởi Võ Nguyên Giáp thấm đẫm nhân văn khi hành Võ Sự. Ông tinh thông nghệ thuật quân sự của dân tộc để đề ra học thuyết chiến tranh nhân dân Việt Nam. Ông am tường văn hóa phương Tây để kết hợp tài tình chiến tranh du kích với đội quân chính quy. Ông kết tinh những giá trị văn hóa dân tộc để trở thành danh nhân quân sự được cả thế giới ngưỡng mộ... Ông là vị danh tướng lẫy lừng đã góp phần quan trọng làm nên một “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” (thơ Tố Hữu).
Mai Nam Thắng

tin liên quan

Tự hào Mùa Xuân đại thắng!

Gần nửa thế kỷ qua, Ngày Chiến thắng 30/4/1975 đã trở thành biểu tượng lịch sử vĩ đại của dân tộc, là niềm tự hào, là mốc son chói lọi cổ vũ nhân dân ta vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Tuyến lửa Quảng Bình và "con đường Thống nhất"

(QBĐT) - Cuộc đời tôi có may mắn gặp những người cần gặp ở Quảng Bình, trong đó có ông Lại Văn Ly . Cuộc đời ông thực sự "quăng quật" vì những tuyến đường nơi tuyến lửa Quảng Bình. 

Trị bệnh giáo điều của cán bộ, đảng viên ở cơ sở

Cán bộ, đảng viên là hạt nhân xây dựng tổ chức cơ sở đảng, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân; thực hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường và củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.