Điện Biên sống mãi trong tim

  • 06:47 | Thứ Bảy, 04/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Tôi vừa thiu thiu ngủ, người bạn ở TP. Đồng Hới điện nói sáng mai ra quê, hẹn mấy đứa ngày xưa vừa học, vừa chơi với nhau trong xóm tụ tập tí nhé. Tôi ngạc nhiên hỏi, có việc chi mà báo gấp và muộn thế? Ồ, mày quên ngày mai là 13/3 à? 70 năm rồi đấy, ba tao cũng mất 35 năm rồi.
 
Tôi tỉnh ngủ hẳn, quên là quên thế nào được! Ông cụ ba nó là chiến sĩ Điện Biên. Thời chúng tôi thơ ấu, cứ đúng vào ngày 13/3, cụ lại gọi chúng tôi ngồi lại cho ăn lạc rang và kể chuyện Điện Biên. Chúng tôi đồng thanh đọc cho cụ nghe bài học “Một chiều hè lịch sử” trong sách giáo khoa: Đêm hè trăng gió mát/Ngồi trên chõng tre êm/Bố kể chuyện Điện Biên/Bộ đội mình chiến thắng/Lũ Tây bị bắt sống/Ta giải đi từng đàn/Tướng Đờ-cát xin hàng/Bốt đồn đều san phẳng/Cờ quyết chiến quyết thắng/Tung bay trên nóc hầm/Chiều mùng bảy tháng năm/Một chiều hè lịch sử”.
 
Rồi cụ đưa ra cho chúng tôi xem chiếc áo trấn thủ rách nhiều lỗ, cái mũ có dây chằng chéo dính những mảnh vải dù. Cụ cho từng đứa mặc thử, đội thử, rồi tập hát bài “Hò kéo pháo”. Giọng cụ hùng dũng lắm, dù tay chân của cụ do di chứng chiến tranh đang bại liệt yếu dần. “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi/Dốc núi cao cao, nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi/Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”.
 
Cụ yêu cầu chúng tôi xếp hàng, nghiêng người vừa làm điệu bộ kéo pháo vừa hát. Đang vui, tự nhiên cụ bật khóc rấm rứt. Lúc đó, tôi không hiểu gì, sau mới biết, cụ khóc vì nhớ đồng đội, nhớ những người đã hy sinh. Rồi cụ đột ngột đứng dậy, bảo chúng tôi xếp hàng dọc vừa đi duyệt binh, vừa hát: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui…”.
 
2. Quê tôi, một ngôi làng bên tả ngạn sông Gianh. Lịch sử chiến tranh vệ quốc của người quê tôi cũng ngời đầy trang đỏ. Tuy nhiên, nói đến những người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ thì rất hiếm. Có lẽ do khoảng cách về địa lý và cũng do chiến trường miền Trung lúc bấy giờ khốc liệt không kém.
 
Nhưng Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, hòa trong niềm tự hào, vui chung cả nước mỗi lần kỷ niệm, quê tôi có những hoạt động mang sắc thái rất riêng. Thế hệ chúng tôi sinh ra đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cho đến trước ngày giải phóng miền Nam (30/4), tôi vẫn thường được thấy nhưng ngày 7/5 là vui nhất. Dù lúc này đang chiến tranh bom đạn, nhưng sân kho hợp tác xã năm nào cũng có văn nghệ múa hát và mổ trâu, bò chia cho dân liên hoan. Những điệu múa xòe, múa sạp, “Hò kéo pháo” thường được diễn lặp đi lặp lại, ấy thế mà coi mãi không chán.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Năm 1984, lúc này tôi đang là cán bộ Đoàn ở địa phương, phụ trách đội văn nghệ. Tôi và lãnh đạo hợp tác xã, được bác Bí thư Đảng bộ xã gọi xuống chỉ thị, chuẩn bị chương trình văn nghệ hoành tráng để kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Không chỉ Đoàn Thanh niên, đội văn nghệ mà cả ban quản trị hợp tác xã đều vào cuộc và quyết tâm đặt ra là phải vượt qua các hợp tác xã bạn để giành giải nhất.
 
Tôi lao vào viết kịch bản và được cụ chiến sĩ Điện Biên làm cố vấn hết sức đắc lực. Kịch bản của chúng tôi được thực hiện gần như sân khấu thực cảnh hiện nay. Chúng tôi cho tái hiện những cảnh xe đạp thồ ra chiến trường và kéo pháo lên đồi. Cũng may, thời đó xe đạp cũ không hiếm, chỉ khó khăn là làm những khẩu pháo và đại bác. Chú phụ trách phải lên tận xưởng cưa mộc “quan hệ” để đẽo cả nòng pháo, bánh xe, thậm chí chúng tôi còn sáng tạo cả ngựa thồ, voi bằng cách cho hai người úp lưng vào nhau vui đáo để…
 
Chúng tôi tái hiện cảnh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo, Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai… Dưới ánh đèn măng-sông, chúng tôi vẫn thấy nhiều bà con vừa xem, vừa khóc. Nhưng khi điệu “Hò kéo pháo” cất lên, cả sân bãi đứng dậy vỗ tay rần rần!
 
Bác Bí thư xã vô cùng cảm kích đến bắt tay chúng tôi. Ban giám khảo tuyên bố giải nhất không chần chừ. Chúng tôi có một mùa “Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ” không bao giờ phai mờ trong tim. Ấy vậy mà, mới đó đã thêm 40 năm nữa rồi, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tuổi đời 70!
 
3. Trận bão tháng 9/1986 đánh sập nhà bạn tôi. Chiếc mũ và áo trấn thủ cùng với nhiều kỷ vật khác của cụ chiến sĩ Điện Biên bị chôn vùi trong bùn đất. Cụ khóc, anh em chúng tôi khóc. Năm 1989, cụ liệt giường hẳn, nhưng đầu óc vẫn tỉnh táo. Cụ hay yêu cầu tôi hát cải lương cho cụ nghe và thường kết thúc bằng bài “Hò kéo pháo” hay “Giải phóng Điện Biên”.
 
Tôi hỏi cụ, sao hồi xưa bác không tập hợp bọn cháu để kể chuyện Điện Biên vào ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, mà lại là ngày 13/3 ạ? Cụ mỉm cười, đó là ngày khởi đầu cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nếu không có sự khởi đầu bằng chiến thắng Him Lam, xóa sổ trung tâm đề kháng Béatrice của cứ điểm Điện Biên Phủ, thì làm sao cắm được cờ trên nóc hầm Đờ-cát ngày 7/5? Ta thích sự khởi đầu hoàn hảo các con ạ!
 
Vâng, đúng như cụ nói: Sự khởi đầu hoàn hảo, dẫn đến kết thúc với chiến thắng “chấn động địa cầu” ngày 7/5 sẽ sống mãi trong hồn thiêng sông núi Việt Nam, trong mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Lịch sử luôn sáng chói với tinh thần yêu nước, bất khuất trước ngoại xâm của “con Lạc, cháu Hồng”.
 
Đêm nay, tôi thao thức mãi và mong chờ đến sáng. Bạn tôi, một giám đốc kinh doanh, ngày đêm nghĩ đến chiến lược kinh tế vẫn nhớ ngày chiến thắng trận Him Lam, vẫn nhớ những kỷ niệm về Điện Biên mà cha mình để lại. Điều đó một lần nữa chứng minh, tinh thần Điện Biên sống mãi trong tim mỗi người dân Việt Nam.
Đỗ Thành Đồng

tin liên quan

Minh triết con đường!

(QBĐT) - Đất nước tôi: 
Chiếc đòn gánh Trường Sơn
Oằn vai gánh hai đầu hai vựa thóc
Đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ
Nôi văn minh lúa nước bao đời.

Linh thiêng hai tiếng "hòa bình"

(QBĐT) - Hòa bình là ước vọng của toàn nhân loại thế nhưng chiến tranh vẫn đeo bám ở đâu đó trên trái đất này. 

Quê nhà

(QBĐT) - Nơi tôi sinh làng xưa nhiều mái rạ
Đạn bom thù quyết xóa sạch xóm thôn
Bài học đầu yêu gia đình, đất nước
Đi đến trường phải nhớ đội mũ rơm